Khai mạc trọng thể APPF-26

Xây dựng tầm nhìn mới sau 25 năm hình thành và phát triển

Với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”, phiên họp thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) đã chính thức khai mạc vào lúc 18 giờ ngày 18-1 tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 đến dự khai mạc APPF 26
Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 đến dự khai mạc APPF 26

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, nguyên Chủ tịch IPU Saber H. Chowdhury… tham dự. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26, chân thành cảm ơn về sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên APPF đối với Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh: “Đã 25 năm trôi qua kể từ khi Tuyên bố Tokyo được thông qua vào tháng 1-1993 để chính thức thành lập APPF với 15 nghị viện, đến nay APPF đã phát triển và trở thành một diễn đàn với 27 nghị viện thành viên, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của hơn 4,5 tỷ người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Theo Chủ tịch Quốc hội, APPF đã tích cực triển khai các cam kết trong những tuyên bố lịch sử của mình, hướng tới một ngôi nhà chung hài hòa và năng động, đã góp phần đẩy mạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, ủng hộ và hỗ trợ cho các nỗ lực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, cùng với APEC góp phần thu hẹp khoảng cách của các nước ở châu Á-Thái Bình Dương, đem lại thịnh vượng cho người dân trong khu vực. APPF đã thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Bên cạnh đó, nêu bật những vấn đề an ninh phi truyền thống mà khu vực đang đối mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, APPF đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng, đặt ra cho các nghị viện thành viên những nhiệm vụ mới và sự cần thiết phải củng cố các thành quả mà APPF đã đạt được, đưa diễn đàn lên một tầm cao mới. Tại hội nghị lần này, ngoài việc cùng nhau trao đổi về các vấn đề an ninh, kinh tế, chính trị, thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa - xã hội và môi trường thì một trong những mục tiêu chính là xây dựng tầm nhìn mới trong giai đoạn tiếp theo sau 25 năm hình thành và phát triển. “Tầm nhìn đó phải được dựa trên mối quan hệ đối tác nghị viện bền chặt hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta phải khẳng định những cam kết hành động mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác trong APPF và giữa APPF với các thể chế trong khu vực vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khẳng định. 

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu chào mừng nghị viện các nước thành viên đã lần thứ 2 tín nhiệm chọn Việt Nam là nước chủ nhà tổ chức hội nghị quan trọng này. Chủ tịch nước khẳng định, APPF cùng nghị viện các nước thành viên đã có những đóng góp to lớn trong một phần tư thế kỷ vừa qua, góp phần xây dựng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Chủ tịch nước cho rằng, những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và số hóa đang đòi hỏi APPF tiếp tục đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho châu Á - Thái Bình Dương. 

“Ưu tiên hàng đầu là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. Hòa bình và phát triển bền vững luôn đồng hành với nhau. Đó là bài học của chính khu vực chúng ta. Chúng ta có thể tự hào rằng châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất không có xung đột từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Đây là tiền đề quan trọng để châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động nhất, đóng góp 59% GDP, 48% thương mại toàn cầu”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định. 

Trong khuôn khổ chương trình, sáng cùng ngày đã diễn ra phiên họp nữ nghị sĩ với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”. Bình đẳng giới là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Thượng viện Indonesia 

Chiều 18-1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân mật tiếp đoàn đại biểu Hội đồng đại biểu địa phương (Thượng viện) Indonesia do ngài Oesman Sapta, Chủ tịch Thượng viện dẫn đầu thăm Việt Nam, nhân dịp dự Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch Oesman Sapta; hoan nghênh đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Indonesia sang Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-26; đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Tổng Bí thư cho rằng Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm và lợi ích tương đồng, hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực; bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của đoàn lần này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp và hai nước Việt Nam - Indonesia.

Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Chủ tịch Hội đồng đại biểu địa phương (Thượng viện) Indonesia Oesman Sapta Odang tới chào xã giao nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26) tại Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự hợp tác của Indonesia trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, quốc phòng - an ninh, hợp tác giải quyết vấn đề ngư dân Việt Nam trên tinh thần hữu nghị, nhân đạo, đoàn kết ASEAN và phù hợp với mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia.

Tin cùng chuyên mục