Xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Đông Nam bộ

Sau thời gian bị gián đoạn bởi dịch Covid-19, chương trình hợp tác kích cầu du lịch vùng Đông Nam bộ vừa được tái khởi động tại Bình Phước sau 2 năm thỏa thuận được ký kết. Các ý kiến tại hội nghị đều cho thấy việc xây dựng, tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đang là vấn đề cốt lõi để kích cầu du lịch trở lại, kết nối các tuyến điểm nhằm thu hút khách trong, ngoài nước.
Đón khách du lịch tham quan bằng đường sông đến TP Thuận An, tỉnh Bình Dương
Đón khách du lịch tham quan bằng đường sông đến TP Thuận An, tỉnh Bình Dương

Những kết quả bước đầu

Tháng 6-2020, tại TP Tây Ninh, UBND các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ đã ký kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020-2025, phân công một Phó Chủ tịch UBND TPHCM làm Trưởng ban điều phối. Các địa phương đã nhanh chóng bắt tay triển khai thực hiện các nội dung của thỏa thuận như xây dựng, thử nghiệm khai thác các tour tuyến liên vùng; phối hợp tổ chức các đợt khảo sát sản phẩm du lịch, cụ thể là TPHCM và Đồng Nai nghiên cứu hình thành sản phẩm “tàu hỏa - tàu thủy” đến làng bưởi Tân Triều, Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, TPHCM với Bình Dương tổ chức đoàn Famtrip trải nghiệm tour đường sông, phối hợp với Tây Ninh tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch Tây Ninh…

Tuy nhiên, do dịch bệnh hoành hành trong năm 2021 nên các tỉnh, thành đã phải tập trung cho công tác phòng chống dịch. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương đã nối lại hoạt động hợp tác, đó là chương trình của ngành du lịch TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu với 4 tour khép kín: Hồ Tràm Grand stri, suối nước nóng Bình Châu, Hồ Tràm Melia, Six sense Côn Đảo; TPHCM phối hợp với Tây Ninh tổ chức một số tour thí điểm Củ Chi - núi Bà Đen do các doanh nghiệp TPHCM triển khai.

Trong năm 2022, các công ty du lịch tại TPHCM đã đẩy mạnh bán các sản phẩm du lịch, tung ra loạt tour tuyến kết nối từ TPHCM đến các tỉnh vùng Đông Nam bộ dành cho khách nội địa như tour “Hương sắc Tây Ninh” (1 ngày, 2 ngày) hoặc tuyến du lịch về nguồn từ TPHCM đến Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam (dành cho khách đoàn) của Saigontourist; tuyến “Tình đất đỏ miền Đông” của Công ty CP Du lịch và tiếp thị GTVT - Viettravel từ TPHCM - Bình Dương - Bình Phước (2 ngày) hay tuyến du lịch “Thiên nhiên xanh mát - sắc biển hòa ca” theo hành trình TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ngày) của Công ty CP Du lịch Bến Thành. Ngoài ra, còn phải kể đến các tour tuyến của Công ty TNHH Du lịch Saco Travel với hành trình TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh (2 ngày), Công ty CP Du lịch Hòa Bình với tour “Khám phá Tây Ninh” (1 ngày, 2 ngày), Công ty Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt giới thiệu tuyến Đồng Nai - TPHCM với chủ đề “Cù lao Phố có hẹn với Sài Gòn” với các điểm đến gồm Thất thủ cổ miếu, làng bưởi Tân Triều, công viên nước Vịnh Kỳ diệu, Bảo tàng Áo dài, chùa Bửu Long.

Xây dựng sản phẩm đặc trưng, tăng cường quảng bá

Đông Nam bộ là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp 32% GDP và 44,7% thu ngân sách quốc gia, có dân số hơn 17,8 triệu người với thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Đông Nam bộ cũng là vùng có sự đa dạng về địa hình biển - núi - đồng bằng, cự ly di chuyển không mất nhiều thời gian như các tỉnh miền Trung nên hoàn toàn có điều kiện để xây dựng các tuyến xuyên vùng, thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, trước hết là khách trong vùng Đông Nam bộ, các tỉnh lân cận của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nam bộ. Các địa phương cần tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm nổi bật của địa phương để trên cơ sở đó hình thành các tour tuyến liên kết, tiếp tục tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát điểm đến, quan tâm nâng cấp hạ tầng du lịch và đào tạo nguồn nhân lực.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá, du lịch Đông Nam bộ vẫn chưa xứng với tiềm năng của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, đa dạng tài nguyên du lịch. Trong 10 tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến các tỉnh, thành trong khu vực chỉ bằng 16% lượng khách quốc tế đến vùng Đông Nam bộ trong năm 2019. Bà Phan Thị Thắng đề xuất, vùng Đông Nam bộ cần xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp: “6 địa phương - 1 điểm đến”, làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam bộ; liên kết chặt chẽ để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của vùng được hiệu quả, nâng cao thương hiệu điểm đến.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, liên kết giữa các địa phương là vô cùng cần thiết nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường khách du lịch, hợp tác thúc đẩy phát triển và kích cầu du lịch. Trong thời gian tới, ngành du lịch Bình Dương tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch gắn với xây dựng đô thị thông minh, hiện đại; hình thành các sản phẩm du lịch ven sông gắn với khu, điểm nghỉ dưỡng cao cấp; phát triển các sản phẩm du lịch thể thao cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; hình thành hệ sinh thái công nghệ số phục vụ đối tượng du khách theo xu hướng du lịch số; phát triển sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế, chú trọng sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại phục vụ phát triển sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL, cho rằng, các tỉnh, thành Đông Nam bộ cần tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch của vùng thông qua việc khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa và sản phẩm mới mà khu vực Đông Nam bộ có thế mạnh như: du lịch MICE tại TPHCM, du lịch biển Bà Rịa - Vũng Tàu, du lịch văn hóa tâm linh tại Tây Ninh; du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề tại Bình Phước, Đồng Nai; du lịch tham quan khu công nghiệp, nhà máy sản xuất tại Bình Dương… Đồng thời, cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá để các điểm đến tiếp cận lại thị trường sau dịch Covid-19; đổi mới mạnh mẽ về nội dung lẫn cách thức xúc tiến quảng bá.

Tin cùng chuyên mục