Xây dựng phố đi bộ hiện đại, văn minh

Đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM) sẽ được tổ chức thành phố đi bộ từ giữa tháng 7-2016. 
Đường Đề Thám, cùng với đường Bùi Viện được đề xuất sẽ trở thành phố đi bộ . Ảnh: VIỆT DŨNG
Đường Đề Thám, cùng với đường Bùi Viện được đề xuất sẽ trở thành phố đi bộ . Ảnh: VIỆT DŨNG
Thực hiện từng bước chủ trương này, chính quyền quận 1 sẽ phối hợp thí điểm trong 2 ngày cuối tuần để đánh giá tác động, hiệu quả trước.

Vận động người dân ủng hộ

Trong những ngày qua, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng đơn vị thi công vẫn khẩn trương thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp vỉa hè đường Bùi Viện. Theo đó, vỉa hè cùng triền lề 2 bên tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 1,4km, đang được lát lại đá granite. Cạnh đó, các hầm ga thu nước cũng được nâng, hạ để tạo sự cân bằng giữa vỉa hè và lòng đường. Các bồn cây, hệ thống thoát nước cũng được cải tạo cho mỹ quan hơn; đồng thời giải quyết tình trạng đọng nước, ngập nước, nhất là vào mùa mưa. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết tổng mức đầu tư của dự án gần 11 tỷ đồng. “Quận 1 đang tập trung và tổ chức thực hiện cuốn chiếu để dự án sửa chữa, nâng cấp vỉa hè đường Bùi Viện hoàn thành đúng theo yêu cầu của lãnh đạo UBND TP”, bà Hường chia sẻ.

Trong tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo về tiến độ thực hiện dự án phố đi bộ Bùi Viện. Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao việc triển khai thực hiện đề án tuyến phố đi bộ Bùi Viện và yêu cầu UBND quận 1 phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để chậm nhất đến giữa tháng 7-2017, đưa tuyến phố đi bộ Bùi Viện vào hoạt động. “UBND quận 1 cần tập trung vận động, thuyết phục người dân trong khu vực bị ảnh hưởng ủng hộ chủ trương của thành phố, không được dùng biện pháp hành chính ép buộc. Đặc biệt, UBND phường Phạm Ngũ Lão phải nắm bắt các khó khăn của người dân cũng như hỗ trợ khi các gia đình trong tuyến phố có các tình huống đột xuất như ma chay, bệnh tật…”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng yêu cầu.

Nên đánh giá thận trọng

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho hay đường Bùi Viện ngắn (khoảng 650m) lại nhỏ (lòng đường rộng 8m) và vỉa hè hẹp (có nơi chỉ rộng 1m) nên cần tổ chức phố đi bộ. Ngoài ra, tuyến đường này cũng có nhiều hẻm kết nối, đi thông ra các tuyến đường khác như Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, Trần Hưng Đạo. Vì vậy, trước khi tổ chức thành phố đi bộ phải có đánh giá tác động đến giao thông khu vực, lên phương án tổ chức lại giao thông bên ngoài, cũng như giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân trong phạm bị ảnh hưởng.

Kiến trúc sư - tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, trước khi tổ chức phố đi bộ phải bố trí, xây dựng bãi giữ xe ở 2 đầu tuyến đường. Các bãi đậu xe này phải nằm ở vị trí thuận tiện, đáp ứng nhu cầu của khách và cả người dân trong khu vực. Cạnh đó là các biện pháp đảm bảo an ninh, phòng tránh cướp giật để ngươi dân, du khách an tâm đến khu phố…

Ngoài ra, TS Phạm Sanh đề xuất, ở khu vực này, đường Đề Thám rất phù hợp để lựa chọn làm phố đi bộ. Chọn đường này vì có thể bố trí được bãi giữ xe ở 2 đầu đường (phía đường Võ Văn Kiệt và khu vực công viên 23-9), tạo thuận lợi cho khách du lịch, người dân địa phương. “Theo tôi, trước tiên nên chọn những tuyến đường vốn đang có nhiều người đi bộ (như đường Đề Thám) để làm đường đi bộ, bước kế tiếp mở rộng ra khu vực và khu phố đi bộ. Về tuyến đường Bùi Viện, như đã phân tích, đây là đường đông dân cư, lại là đường thoát xe nên việc tổ chức làm phố đi bộ cần thực hiện một cách thận trọng và tiến hành từng bước để xem xét các tác động đến người dân khu vực và đánh giá mức độ hấp dẫn của nó trước khi mở rộng”, Tiến sĩ Phạm Sanh đề nghị.
Hạn chế ảnh hưởng đến người dân

Theo thống kê, trên tuyến đường Bùi Viện có 2 chung cư (chung cư 41 Bùi Viện, chung cư 155-157 Bùi Viện) và 20 con hẻm (trong đó có 5 hẻm cụt) với tổng cộng gần 1.000 nhân khẩu. Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, trong số các con hẻm trên, có nhiều hẻm nối thông ra các đường khác nên khi tổ chức đường Bùi Viện thành phố đi bộ, người dân trong khu vực sẽ có các lộ trình khác thay thế. Song cái khó là các hộ dân ở trong hẻm chỉ có lối ra/vào duy nhất thông qua đường Bùi Viện. “Chúng tôi đề xuất dán đề can nhận diện xe của các hộ dân này và cho phép xe của họ được ra/vào khi tổ chức phố đi bộ. Quận cũng tổ chức tuyên truyền người dân di chuyển chậm hoặc dắt bộ xe”, bà Hường nói.

“Du khách khi đến phố đi bộ Bùi Viện sẽ được hưởng “four free” (4 miễn phí), gồm nhà vệ sinh miễn phí, wifi miễn phí, cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách miễn phí và “nụ cười miễn phí”. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu là khi tổ chức đường Bùi Viện thành phố đi bộ vẫn không gây ảnh hưởng, xáo trộn nhiều đến sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân nên đề xuất thực hiện từng giai đoạn. Trước tiên sẽ tổ chức phố đi bộ trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật với thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng  hôm sau. Thời gian thí điểm dự kiến thực hiện đến cuối năm 2017 để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi có quyết định tiếp theo”, bà Hường nói thêm.

Tin cùng chuyên mục