Xây dựng NTM: Cần hạn chế tình trạng xây chợ, nhà văn hóa nhưng không ai vào

Chiều 5-11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện góp ý về dự thảo Bộ Tiêu chí quốc gia và quy trình xét công nhận nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị vào ngày 5-11
Hội nghị vào ngày 5-11

Thảo luận về dự thảo bộ tiêu chí, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, xây dựng NTM là cuộc vận động được người dân hồ hởi tham gia, vì quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, ông đề nghị cần tính toán việc xây dựng để không lãng phí, đơn cử như xây dựng sân vận động, không nhất thiết thôn nào cũng có 1 sân vận động, mà có thể 2-3 thôn có 1 sân vận động. Ông cũng đề nghị việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được chú trọng.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý kiến, chương trình xây dựng NTM cần thực chất, không phong trào, không lãng phí, không phô trương, vì “dân ta còn nghèo lắm”. Theo ông, những chỉ tiêu cũ, nếu nâng cấp lên thì không nên gọi là chỉ tiêu mới. Có một số chỉ tiêu khó định lượng, vì thế sẽ khó để xét, đơn cử như đường được bảo dưỡng hàng năm, cây xanh sạch đẹp… đây là những tiêu chuẩn “để cho vui”. Ông Trần Đình Thiên đề nghị, tiêu chuẩn NTM phải có doanh nghiệp, vì không có lực lượng này thì không thể đưa nông thôn phát triển. “Phải đưa chỉ tiêu doanh nghiệp vào bộ tiêu chí NTM. Những xã có lực lượng doanh nghiệp nhất định thì chắc chắn xã đó sẽ phát triển. Do đó, cần có tiêu chuẩn về doanh nghiệp, còn chỉ tiêu về hợp tác xã, hội nông dân là điều đương nhiên nông thôn đã có”, ông Trần Đình Thiên phát biểu.

Xây dựng NTM: Cần hạn chế tình trạng xây chợ, nhà văn hóa nhưng không ai vào ảnh 1 Các đại biểu phát biểu phản biện về dự thảo tiêu chí xây dựng NTM

Bên cạnh đó, cần có tiêu chí về các câu lạc bộ liên quan đến sáng kiến, cải tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển điện tử thương mại… Hoặc cần có tổ hòa giải để giúp giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân. Nên đặt ra tỷ lệ 30%-40% phải là tiêu chí mới, không phải là những tiêu chí lâu nay mà NTM đã có, các tiêu chí mới cần thực chất để trở thành động lực cho nông thôn phát triển trong giai đoạn mới. Ví dụ như tiêu chí nông thôn thông minh để đưa nông thôn lên cách tiếp cận hiện đại hóa. “Nếu ứng dụng tốt CNTT thì rất có lợi cho nông thôn, nhất là trong phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản. Đã có những trường hợp nhờ thương mại điện tử mà phát triển tiêu thụ nông sản rất tốt”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu quan điểm.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tiêu chí NTM phải xuất phát từ địa bàn dân cư nông thôn thì mới bảo đảm thực chất, không hình thức. “Hiện nay, nông thôn, nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, do đó, nhà nước vẫn phải đầu tư là chính. Phải bảo đảm đầu tư trường, đường, trạm. Cùng với đó, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nông dân rất tốt, nhiều người hiến đất để làm trường làm đường, do đó, nông dân phải là người được thụ hưởng trong quá trình này”, ông Đỗ Duy Thường nói.

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị phải tôn trọng sự đa dạng của nông thôn, không nên “gò” chung một tiêu chuẩn cho nông thôn cả nước. Mục tiêu là phải xây dựng các xã NTM sạch đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm, để nông thôn là nơi mà ai cũng muốn trở về, muốn đến. Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần hạn chế tình trạng xây dựng nhà văn hóa nhưng không ai vào sinh hoạt. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng NTM ở khu vực khó khăn, nếu không khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng ngày càng lớn. Ông đề nghị cần đánh giá sâu sắc việc xây dựng NTM giai đoạn qua để đưa ra những tiêu chí thật phù hợp, sát thực tiễn; tránh đưa ra những tiêu chí mà ngay cả người dân cũng không hiểu.

Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cũng cho rằng, tiêu chí về hạ tầng cơ sở cần sát thực tiễn, phù hợp với địa bàn, tập quán sinh hoạt của người dân, tránh tình trạng xây dựng nhà văn hóa, chợ nhưng dân không vào. “Mục đích xây dựng NTM là nhằm bảo đảm thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống tinh thần, nói cách khác, phải bảo đảm sự hài lòng của người dân. Đề nghị có chỉ tiêu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với xây dựng NTM”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị.

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng NTM, người dân luôn yêu cầu phải công khai, minh bạch các khoản đóng góp để xây dựng NTM, phải nói rõ nhà nước chi bao nhiêu, dân góp bao nhiêu. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa tình trạng đua nhau xây dựng hạ tầng NTM sau đó nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn. Trong quá trình xây dựng, tiêu chí nào lạc hậu thì phải loại bỏ, đồng thời bổ sung các tiêu chí mới, phù hợp với xây dựng NTM giai đoạn mới. Các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Bộ tiêu chí cần quan tâm đến tính đặc thù của từng vùng miền vì mỗi địa phương đều có bản sắc riêng nên nếu áp dụng đồng bộ thì sẽ không phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, với cơ quan chủ trì phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp và phản ánh đầy đủ các ý kiến của các đại biểu đến Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, góp phần đưa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 đi vào cuộc sống, đảm bảo chất lượng, bền vững, thực sự là nơi đáng sống, là niềm tự hào của nông dân Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục