Xây dựng nền kinh tế nhân văn, nền kinh doanh có đạo đức

“Tôi lấy làm tiếc vì mục tiêu này không được ghi trong nghị quyết của Quốc hội. Điều này đã được bàn luận suốt thời gian qua như là nền tảng của một nền kinh tế tử tế trong đó mọi người biết tự trọng, biết yêu quý giống nòi, không kiếm tiền bằng mọi giá, không đặt lợi nhuận bằng cách đầu độc con người”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

Là ĐB phát biểu đầu tiên tại hội trường Quốc hội sáng nay 26-5, ĐB biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khái quát, kết quả kinh tế ngoạn mục và tinh thần tin tưởng hiện nay của người dân là điều kiện để tạo nên sinh khí cho năm 2018 và các năm tiếp theo.

Bày tỏ sự đồng tình với phương châm 10 chữ “kỷ cương” mà Chính phủ đề ra, trong đó đặt kỷ cương lên hàng đầu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh, đây là quan điểm hợp lý vì hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, đa nhiệm đa năng mà nếu không kỷ cương trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.

Chính phủ là cơ quan phải chịu trách nhiệm với sự giàu mạnh hay nghèo yếu của nhân dân, sẽ không thể trụ vững trước những đòi hỏi của xã hội, của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng…

Xây dựng nền kinh tế nhân văn, nền kinh doanh có đạo đức ảnh 1 ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: ĐBND
Đại biểu mong Chính phủ tiếp tục kiên trì phương tâm hành động và kiên quyết bám theo 10 chữ vàng đã đề ra. Đó là định hướng cho hành động và là bảo bối của thành công.

ĐB Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ bám theo các nhiệm vụ trong nghị quyết của Quốc hội và Ban chấp hành Trung ương giao.

Tuy nhiên, điều mà cử tri và nhân dân quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng đời sống của nhân dân, điều đó đòi hỏi tinh thần tập trung cao độ trong định hướng điều hành vĩ mô, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối như cầu cống, đường sá, sân bay, cảng biển để tạo nên huyết mạch cho giao thông, để hình thành, nuôi dưỡng nền kinh tế.

ĐB Bình Nhưỡng nêu vấn đề, làm sao phải xây dựng được nền kinh tế nhân văn, một nền sản xuất, kinh doanh có đạo đức: “Tôi lấy làm tiếc vì mục tiêu này không được ghi trong nghị quyết của Quốc hội. Điều này đã được bàn luận suốt thời gian qua như là nền tảng của một nền kinh tế tử tế trong đó mọi người biết tự trọng, biết yêu quý giống nòi, không kiếm tiền bằng mọi giá, không đặt lợi nhuận bằng cách đầu độc con người”.

Ghi nhận, đánh giá cao các nỗ lực của Thủ tướng thời gian qua, ĐB Bình Nhưỡng cho rằng, sự đi sâu, đi sát cơ sở của Thủ tướng tạo nên sự động viên lớn với người dân. ĐB đề nghị Thủ tướng quan tâm hơn việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết Trung ương, Quốc hội giao của các bộ, ngành.

Đề cập đến việc Thủ tướng đã lập 1 tổ giúp việc và 2 cơ quan tư vấn nhưng ĐB vẫn băn khoăn về nhiều việc Thủ tướng đã chỉ đạo mà cấp thực hiện vẫn "án binh bất động". ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng “cần đếm việc để đánh giá được kết quả công việc của từng bộ, ngành, địa phương, truy cứu trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ, để hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” như hiện nay”.

ĐB Bình Nhưỡng ủng hộ việc Thủ tướng sử dụng thẩm quyền để kiên quyết xử lý cán bộ không làm việc, tạm đình chỉ công tác cán bộ hành dân, doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong việc chi tiêu ngân sách, sử dụng vốn ODA, xử lý cát tặc, lâm tặc, xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, nạn bằng giả, nâng đỡ không trong sáng, các dự án nghìn tỷ đồng đắp chiếu…

Về nội dung phối hợp trong công tác của Chính phủ, ĐB cho rằng chưa rõ việc cùng hành động của cơ quan hành pháp với tư pháp trong việc xử lý các sự việc. Hành pháp là nhánh quyền lực trung tâm hành động, có vai trò quan trọng với các hoạt động tư pháp, từ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử công dân – những việc liên quan trực tiếp đến quyền con người. ĐB Bình Nhưỡng đề nghị bổ sung vào báo cáo thông tin về vấn đề này.

Về việc giải quyết chính sách với người di cư với đồng bào vào Tây Nguyên, đồng bào vào sống gần biên giới Campuchia, Lào, ĐB Nhưỡng nhìn nhận, bà con di cư vì kế sinh nhai, trong quá trình đó đã tự phát phá rừng lấy đất sản xuất nhưng “cơ bản không phải là lâm tặc”.

“Cuộc sống của bà con di cư gặp nhiều khó khăn khi không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, không chính thức được công nhận như một công dân trong khi đó là đồng bào, là người già, là trẻ em, là phụ nữ, thậm chí là gia đình người có công...Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho khu vực này để bà con đỡ tủi thân, nhất là việc học hành cho trẻ em”, ĐB Nhưỡng đề nghị.

Tin cùng chuyên mục