Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

Trong 2 ngày 1 và 2-6, Quốc hội thảo luận về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách… Vấn đề đang được giới chuyên gia và nhiều người quan tâm là làm thế nào xây dựng được nền kinh tế tự chủ, có thể chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến các bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã rút ra từ bối cảnh khó khăn của năm 2021, trong đó có việc phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác. Tầm quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng cũng sẽ là chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ sẽ diễn ra vào ngày 5-6 tới.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 670 tỷ USD. So với quy mô GDP, nền kinh tế Việt Nam có độ mở gần 200% GDP. Song, điều bất cập là, nguồn nguyên, nhiên vật liệu sản xuất hàng hóa sử dụng trong nước và xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
“Độ mở đó thể hiện ở chỗ chúng ta quá phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài để phát triển mà không chú ý đúng mức đến doanh nghiệp trong nước”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương nói. Vì vậy, khi kinh tế thế giới biến động bất thường, dù nhỏ hay lớn, đều tác động đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực. Độ mở của nền kinh tế đã đến mức không thể thu hẹp và nếu thu hẹp sẽ rơi vào giảm tốc, suy thoái, không thể kiểm soát.
Hiện nay, nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam tương đối tự chủ, thể hiện qua việc có thể mặc cả hay tham gia định giá vì có số lượng hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn (nhất là với gạo, cà phê, thủy sản). Tuy nhiên, nhìn chung, những lĩnh vực khác còn lại của nền kinh tế còn yếu, chưa đạt được sự tự chủ.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thì “Việt Nam không phải là cái gì cũng có, nguồn lực không phải việc gì cũng làm được”, do đó phải biết đứng trên vai người khổng lồ. Các nước phương Tây có 300 năm công nghiệp hóa và chúng ta cần tận dụng lợi thế này chứ không cần đặt vấn đề phải tự sản xuất, bảo đảm tất cả.
Để nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm tác động từ bên ngoài thì nền kinh tế phải mạnh. Vậy giải pháp là gì? Theo ông Nguyễn Đình Cung, luôn phải có vùng đệm để có dư địa chính sách phản ứng, chống chọi lại được với những tác động từ bên ngoài. Ví dụ như phải có dự trữ ngoại hối lớn, chính sách tiền tệ, tài khóa phải có dư địa, tức là bội chi ngân sách, nợ công thấp để khi có khủng hoảng thì còn tăng lên. Bên cạnh đó, những cân đối lớn của nền kinh tế phải luôn được bảo đảm nhằm giảm lệ thuộc vào bên ngoài. Nếu không giảm được thì luôn luôn phải có dự trữ ở mức độ lớn.
Cùng với đó là phải xây dựng được kinh tế trong nước đủ mạnh. Các nguồn lực khan hiếm như đất đai, tài nguyên thiên nhiên phải được sử dụng hiệu quả. Các thị trường phát triển méo mó, đầu cơ phải được loại bỏ để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế. Một nền kinh tế không hiệu quả với năng suất, sức cạnh tranh kém thì không thể tự chủ vì không có sức mạnh nội tại do nguồn lực bị bào mòn.
Vì vậy, cần phải sử dụng nguồn lực hiệu quả theo nguyên tắc thị trường. Trong đó, phải xây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước khỏe, mạnh hơn và phát triển dựa trên quản trị hiện đại; có đội ngũ doanh nghiệp tham gia bình đẳng trong chuỗi giá trị toàn cầu và có vị thế khi thảo luận về các giá trị đã đóng góp để có được lợi nhuận.

Tin cùng chuyên mục