PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG NĂNG ĐỘNG SÁNG TẠO ĐỂ PHÁT TRIỂN TPHCM

Xây dựng môi trường khuyến khích người dân hiến kế, sáng tạo

Người dân sáng tạo là nhân tố rất quan trọng, quyết định sự phát triển của TPHCM. Do đó, TPHCM phải xây dựng môi trường thực sự khuyến khích sáng tạo và thiết lập các kênh tiếp nhận ý kiến, hiến kế của người dân. 
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lắng nghe ý kiến cử tri TP Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lắng nghe ý kiến cử tri TP Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó là việc tiếp nhận, xử lý, thẩm định các sáng kiến một cách cầu thị, khách quan với tâm thế “đãi cát tìm vàng” để nhặt cho được hạt nhân sáng tạo thực sự trong các hiến kế đó.

Tính cách của người Sài Gòn xưa - nay là TPHCM, cũng như người dân Nam bộ nói chung, là bản lĩnh kiên cường, tinh thần năng động, sáng tạo, khả năng hợp tác cao và họ luôn thích ứng. Họ luôn coi tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu. Thực tế cho thấy, người dân Sài Gòn - TPHCM luôn có nhiều sáng kiến, sáng tạo và nhiều trong số đó được Đảng bộ, chính quyền TP tiếp thu, phát triển, trở thành những hoạt động chính thức, mang tính truyền thống và bản sắc của thành phố.

Trong giai đoạn hiện nay, TPHCM vẫn rất cần những sáng kiến, sáng tạo của người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ sáng tạo trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực.

Sự sáng tạo không thể chỉ ở trong “nội bộ” các cơ quan chức năng, của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, hay chỉ của các cán bộ, công chức, mà đòi hỏi phải là sự sáng tạo của từng người dân thành phố. Trong hơn 10 triệu dân của TPHCM hiện nay, chắc chắn nhiều người có ý tưởng hay trên những lĩnh vực, ở các vấn đề mà thành phố còn gặp vướng mắc, bất cập. Vấn đề là làm sao khơi gợi, phát huy được các sáng kiến từ mọi tầng lớp nhân dân để phục vụ đắc lực vào công cuộc xây dựng thành phố. Điều này đòi hỏi chính quyền thành phố cần có các cơ chế, biện pháp, phương tiện tiếp nhận, tiếp thu, xử lý các ý kiến đóng góp, sáng tạo, hiến kế của người dân thành phố trên tất cả các vấn đề. 

Để làm được điều này, trước nhất là cần xây dựng các kênh để tiếp nhận ý kiến, hiến kế của người dân. Các kênh này có thể bao gồm từ đường dây nóng, hộp thư góp ý, đóng góp trực tiếp tại các cuộc tiếp xúc cử tri… để ghi nhận các ý kiến trung thực, khách quan, chính xác. Các kênh này phải được duy trì thường xuyên, liên tục và thực sự có trách nhiệm, đồng thời tạo sự cởi mở, thân thiện để người dân mạnh dạn phản ánh, nêu ý kiến, hiến kế. Từ các ý kiến đó, đơn vị tiếp nhận phân loại, chọn lọc ra những ý kiến hiến kế, đóng góp, các sáng kiến, sáng tạo. Có thể, các hiến kế của người dân không phải là “các đề án khoa học”, song chính quyền nên trân trọng lắng nghe, tiếp thu và có thể thực hiện nếu xét thấy phù hợp.

Sau khi tiếp nhận, yêu cầu đặt ra là phải xử lý các đóng góp, hiến kế của người dân. Việc xử lý các ý kiến cũng quan trọng không kém so với việc tạo ra các kênh tiếp nhận các ý kiến, hiến kế. Bởi vì khi có cách thức xử lý phù hợp thì không những sử dụng được trí tuệ, chất xám của cộng đồng, của người dân, mà còn nhận được sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ, đóng góp ý kiến của người dân. Trường hợp nhận được các ý kiến, góp ý phức tạp thì có thể phải thành lập hội đồng khoa học để thẩm định, phản biện từ các chuyên gia và ý kiến tranh luận từ người hiến kế. Chẳng hạn, trên cơ sở có đề xuất hạn chế, cấm trồng một số cây xanh cụ thể trong đô thị, cơ quan chức năng của TPHCM hiện nay là Sở GTVT xét thấy có căn cứ thì mời các chuyên gia về lâm nghiệp, thực vật… cùng lắng nghe, trao đổi với chuyên gia để từ đó có quyết định nên thay thế cây xanh trên đường hay không.

Như vậy, các ý kiến, hiến kế được đánh giá khả thi cần được chuyển đến các cơ quan chức năng, như giải pháp chống ngập thì chuyển đến Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM; ý kiến phân luồng giao thông thì chuyển đến Sở GTVT… Tại đây, các cơ quan này một lần nữa đánh giá, nếu xét thấy có ý nghĩa, cách thức thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của TPHCM thì có thể cho tiến hành triển khai.

Trong nhóm công việc này, đặc biệt phải lưu ý đến việc trao đổi, có hình thức biểu dương đối với các ý kiến hay, thiết thực và khả thi. Việc này có thể thực hiện một cách đơn giản, bằng việc những người đứng đầu các sở - ngành, như giám đốc Sở GTVT, giám đốc Công an thành phố hoặc lãnh đạo UBND TPHCM gửi thư cám ơn tác giả. Ngoài ra còn có các hình thức khác như trao tặng huy hiệu, bằng khen, tiền thưởng… Việc biểu dương cần thực hiện một cách trang trọng, thể hiện sự cầu thị và tôn trọng của lãnh đạo TPHCM đối với người hiến kế.

Việc tiếp nhận và ứng xử những đóng góp, sáng kiến, hiến kế của người dân là điều cần làm, trong đó cũng quan tâm thực hiện các sáng kiến thiết thực, giải pháp có giá trị. Có như thế mới có thể tạo sự khích lệ nhiều người cùng tham gia sáng tạo, hiến kế. Chính sự chung sức tham gia của người dân cũng là sự thành công lớn đối với TPHCM, bởi điều đó là chỉ dấu tích cực cho sự đồng thuận, sự ủng hộ của nhân dân.
                                                                                                                   KIỀU PHONG (ghi)

Tin cùng chuyên mục