Xây dựng Luật Điện ảnh: Đừng để tụt hậu

Tại buổi lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra tại TPHCM ngày 19-8, nhiều vấn đề nổi cộm được đưa ra, trong đó có một số ý kiến về văn bản luật mới cần đảm bảo cả tầm nhìn, tính dự báo để không tụt hậu so với thực tế. 

Nhiều bất cập

Theo PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều bước tiến bộ, vươn xa và hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.

“Luật Điện ảnh cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.

TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, bổ sung các vấn đề như khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh… là những nội dung chưa được đề cập trong luật.  

Nhiều ý kiến đóng góp cũng nêu lên thực trạng nền điện ảnh Việt Nam. Theo ông Lưu Trọng Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, trước hết nên bỏ phương thức đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

“Phương thức này chỉ có ở Việt Nam, đang đặt nặng về mục tiêu kinh tế, trong khi mục tiêu cơ bản của một bộ phim là chất lượng nghệ thuật”, ông nói.

Một số đại biểu cho rằng, trước thực tế phim tư nhân hoàn toàn áp đảo, giải pháp là cần thay đổi bằng hình thức sản xuất phim đặt hàng thông qua các bước từ tuyển chọn kịch bản đến nhà sản xuất, điều đó sẽ góp phần tăng cường sức mạnh nhà nước trong sản xuất phim, lấy lại thế chủ động.  

Quy định về tỷ lệ chiếu phim Việt Nam tại các rạp cũng đặc biệt được quan tâm. Theo đại diện Công ty CP Phim Thiên Ngân, có một số hạn chế như số lượng phim Việt Nam sản xuất chưa thể đáp ứng được nhu cầu phổ biến theo tháng, quý, năm và chất lượng chưa như kỳ vọng của khán giả.

Theo ông Lưu Trọng Hồng, quy định này là một giải pháp tốt, nhưng mới chỉ đáp ứng về mặt thời lượng, cần phải có quy định về thời điểm ưu tiên.  

Xây dựng Luật Điện ảnh: Đừng để tụt hậu ảnh 1 Thạch Thảo, bộ phim gần nhất được thực hiện theo hình thức nhà nước đầu tư kinh phí

Câu chuyện kiểm duyệt và phân loại phim cũng nhận được nhiều góp ý. Đại diện Công ty CP Phim Thiên Ngân và CJ CGV Việt Nam cho rằng cần bổ sung thêm 2 mức PG (Parental Guidance - trẻ nhỏ xem phim cần người lớn đi kèm) và C9 (không phổ biến đến khán giả dưới 9 tuổi) bên cạnh 4 loại đang có.

Theo đại diện Hãng phim Chánh Phương, cần cơ chế cởi mở, thông thoáng hơn để những nhà làm phim tự do sáng tạo nghệ thuật, đa dạng về thể loại…Thực tế đang tồn tại vấn đề, một số phim đã được cấp phép phổ biến nhưng vì một số lý do nào đó có thể bị ngừng chiếu.  

Bao giờ có quỹ điện ảnh?

Một vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra: Bao giờ Quỹ Điện ảnh Việt Nam đi vào hoạt động? PGS-TS Trần Luân Kim nhấn mạnh, Bộ VH-TT-DL cần đấu tranh cho ra đời quỹ bằng mọi cách.   

Theo ông Lưu Trọng Hồng, quỹ phát triển điện ảnh đã được đề xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến năm 2006, quỹ được luật hóa nhưng nguồn thu chính của quỹ cho đến nay chưa được pháp luật chấp nhận.

Đề án xây dựng quỹ cũng đã được trình Chính phủ 2 lần (năm 2010 và 2012) và dự thảo lần 3 đã hoàn thành và đang chuẩn bị xin ý kiến của các bộ ngành liên quan. Liên quan đến quỹ điện ảnh, hiện tồn tại 2 vấn đề: số tiền duy trì quỹ và việc quản lý, chi tiêu sẽ được thực hiện như thế nào?  

Với kinh nghiệm khảo sát, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới, theo ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, đề án nguồn thu của quỹ đến từ ngân sách nhà nước; từ phát hành, phổ biến những phim đặt hàng sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước sau khi đã trừ chi phí phát hành và các chi phí khác; khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ và trích tỷ lệ phần trăm từ doanh thu chiếu phim tại rạp.

Tuy nhiên, ông Duy Anh nhấn mạnh: “Ở nước ta, Luật Điện ảnh không quy định việc trích tỷ lệ phần trăm doanh thu chiếu phim vào nguồn thu của quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Do đó, nguồn thu này chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Khi chưa có nguồn thu ổn định, việc thành lập quỹ đương nhiên không thể thực hiện”.

Ông Duy Anh cũng cho rằng, nhà nước đã tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh và thu lợi nhuận, nhưng chưa có doanh nghiệp nào thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính tái đầu tư cho sự nghiệp phát triển điện ảnh Việt Nam.  

Theo TS Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ pháp chế, các đề xuất đã được đưa ra nhưng chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Ngoài vấn đề về nguồn tài chính, cần tính toán được bài toán vận hành, quản lý thu chi, sự tồn tại và phát triển của quỹ…

Còn theo đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, cần đánh giá tính khả thi về cơ chế hoạt động, đặc biệt là tác động tích cực và tiêu cực về kinh tế, xã hội; xác định rõ chi phí, lợi ích của các giải pháp này.

NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đề xuất cần cân nhắc việc đưa phim “giải trí” vào đối tượng được hưởng sự hỗ trợ từ quỹ.

Ông cho rằng nên tập trung cho những dự án làm phim có triển vọng đạt tới giá trị nội dung và nghệ thuật cao, có sự tìm tòi làm phong phú ngôn ngữ điện ảnh.

Còn theo đại diện Hãng phim Chánh Phương, quỹ cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực làm phim chuyên nghiệp, hỗ trợ kinh phí sản xuất và phát hành cho các nhà làm phim trẻ, độc lập. 

Tin cùng chuyên mục