Xây dựng Long Khánh là thành phố phát triển đa cực

TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) vừa công bố đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Đây là dịp để giới thiệu đến người dân địa phương và nhà đầu tư về diện mạo mới của một thành phố phát triển đa cực trẻ trung, năng động, là đô thị trung tâm cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ.
Toàn cảnh TP Long Khánh nhìn từ trên cao
Toàn cảnh TP Long Khánh nhìn từ trên cao

Phát triển thành phố xanh

Quy hoạch TP Long Khánh trước hết là bám vào xương sống của các trục giao thông Bắc - Nam hiện hữu như quốc lộ 1, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với 3 chức năng chính là phát triển công nghiệp, du lịch và giáo dục - đào tạo. Theo đó, TP Long Khánh được quy hoạch thành 10 phân khu, trong đó phân khu 1 có quy mô dân số 70.200 người, diện tích gần 950ha gồm các phường trung tâm của TP Long Khánh hiện hữu là Xuân Trung, Xuân Thanh, Xuân An, Xuân Bình, Xuân Hòa, Phú Bình và là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại dịch vụ của TP Long Khánh; phân khu 2 có quy mô diện tích 1.294ha thuộc phường Bàu Sen, là khu vực mở rộng đô thị trung tâm hiện hữu về phía Tây, có chức năng là trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, văn hóa, TDTT mới của đô thị, xây dựng đường Cách Mạng Tháng Tám nối dài về phía Tây hình thành trục chính Đông - Tây của trung tâm đô thị. Phân khu 7 có quy mô diện tích 3.500ha, dân số 19.840 người vào năm 2030 và 23.000 người vào năm 2040 thuộc xã Hàng Gòn, là trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ; trùng tu mở rộng khu di tích khảo cổ Hàng Gòn theo mô hình công viên di tích; bố trí quỹ đất phát triển KCN Hàng Gòn; xây dựng các khu dân cư với mật độ thấp, kết nối mạng lưới cây xanh với hồ Cầu Dầu và công viên di tích khảo cổ Hàng Gòn. 

Về định hướng phát triển công nghiệp: hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng tại các Khu, cụm CN hiện hữu; phát triển mới KCN và Cụm CN Hàng Gòn (quy mô 300ha), xây dựng trung tâm logistics tại phường Suối Tre; phát triển công nghiệp sạch, kỹ thuật cao, công nghiệp chế biến nông sản với các mặt hàng nông sản thế mạnh địa phương và di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp vào các KCN tập trung. 

Về định hướng bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa: bảo tồn các di tích như mộ Cự Thạch Hàng Gòn, căn cứ Thị ủy Long Khánh, Tòa hành chính tỉnh Long Khánh, đình Xuân Lộc… và phát huy giá trị di tích vào phát triển du lịch; xung quanh các di tích không xây dựng công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng, phù hợp Luật Di sản Văn hóa.

Một điểm mới trong quy hoạch phát triển TP Long Khánh đến năm 2040 là bố trí quỹ đất khoảng 45-50ha để thu hút đầu tư xây dựng Trường Đại học Long Khánh góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, là đòn bẩy cho quá trình phát triển đô thị khu vực phía Tây của đô thị trung tâm. Mục tiêu nhằm phát triển một thành phố xanh đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2 vào năm 2025, có trục cây xanh ở khu trung tâm gần nhà ga, khu giáo dục, TDTT. 

Điểm đến của các nhà đầu tư

Ông Đỗ Chánh Quang, Chủ tịch UBND TP Long Khánh, cho biết, TP Long Khánh sẽ phát triển đô thị theo cấu trúc đô thị tập trung đa cực với hướng mở rộng của đô thị là về hướng Tây và Nam để tăng cường liên kết với hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng; theo đó đô thị trung tâm được mở rộng về phía Tây đến tuyến đường vành đai và trọng điểm mới như Suối Tre, Bàu Sen, Xuân Lập, Xuân Tân, Hàng Gòn nằm xung quanh đô thị trung tâm được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, tăng cường kết nối với trung tâm đô thị. TP Long Khánh sẽ thu hút đầu tư trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng, nhà ở tại khu đô thị trung tâm mới phía Tây, ven trục Cách Mạng Tháng Tám nối dài và các trung tâm thương mại dịch vụ du lịch tại cửa ngõ đô thị. 

Có vị trí giao thông thuận lợi là tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1A đi qua, kết nối với các tuyến đường cao tốc đã và sắp đưa vào sử dụng như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Bảo Lộc sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM đi các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên đồng thời có nguồn lực từ quỹ đất sạch chủ yếu từ đất cao su, TP Long Khánh đang kỳ vọng sẽ là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước thời gian tới. 

Ông Norikazu Inuzuka, Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering (Nhật Bản), Chủ nhiệm đồ án quy hoạch chung TP Long Khánh, tự tin: “Long Khánh là vùng đất tốt cho các nhà đầu tư và đồ án điều chỉnh chung quy hoạch TP Long Khánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là hình mẫu để quy hoạch phát triển các đô thị ở Việt Nam trong tương lai”.

Theo Quyết định số 5100/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 TP Long Khánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, TP Long Khánh có tổng diện tích 19.297ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 218.000 người, trong đó khu vực nội thị khoảng 162.000 người; đến năm 2040 dân số khoảng 257.000 người, khu vực nội thị khoảng 199.000 người, được xác định là đô thị trung tâm vùng phía Đông tỉnh Đồng Nai và là cực phát triển đối trọng phía Đông vùng TPHCM. 

Tin cùng chuyên mục