Xây dựng khu đô thị sáng tạo có hệ sinh thái xanh - sạch

Dựa trên các nền tảng đã có về thể chế, kinh tế và cơ sở hạ tầng, 3 quận khu Đông TPHCM là 2, 9 và Thủ Đức sẽ được tích hợp để xây dựng thành khu đô thị sáng tạo. 
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cùng GS Phan Văn Trường (chuyên gia về kinh tế đô thị, quy hoạch và đàm phán quốc tế) về ý tưởng này. 
* PHÓNG VIÊN: Thưa GS, với cơ sở hạ tầng, nguồn lực chất xám… hiện nay ở khu Đông TPHCM hiện nay, thì nơi này có đủ cơ sở để hình thành khu đô thị sáng tạo?
GS PHAN VĂN TRƯỜNG: Đây là ý tưởng rất hay và sát thực tế. Chúng ta phải luôn nghĩ đến việc phát triển đất nước mà những đầu tàu, mũi nhọn bắt buộc phải từ những nơi có công nghệ cao... 
Việc TPHCM chọn khu Đông là phù hợp vì nơi đây có nhiều tiềm năng. Tại đây có Đại học Quốc gia TP rất năng động, Khu đô thị Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp - khu chế xuất mà TP có thể dựa vào để xây dựng thành khu đô thị sáng tạo vững chắc. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng xây dựng một khu đô thị từ khu công nghệ thì đây phải là bài toán cần có lời giải.
Xây dựng khu đô thị sáng tạo có hệ sinh thái xanh - sạch ảnh 1 Đường Mai Chí Thọ kết nối trung tâm thành phố với quận 2, quận 9, Thủ Đức qua hầm sông Sài Gòn
* Vậy khó khăn lớn nhất để chuyển từ khu công nghệ sang khu đô thị là gì và vấn đề này có xảy ra đối với khu Đông TP?
- Khu công nghệ là nơi làm việc, sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế; trong khi khu đô thị là nơi sinh sống. Do đó sẽ rất khó tạo ra một nơi vừa diễn ra các hoạt động kinh tế vừa thành nơi sinh sống. Thực tế trên thế giới, nhiều nước đã xây dựng các khu đô thị hiện đại nhưng người dân không tới sinh sống, vì ở đó họ không tìm được những điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt.
Do đó, nhằm biến khu Đông trở thành khu đô thị sáng tạo thật sự thì TP phải có giải pháp đối với các khu đô thị cũ, để những khu đô thị cũ phải là nơi đáng sống, làm việc hiệu quả. Tiếp đó, bài toàn về ùn tắc giao thông, thói quen lấn chiếm vỉa hè... cần được thực hiện song hành với việc phát triển khu đô thị mới. Không “điều chỉnh” được việc này sẽ không thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu đô thị sáng tạo.
* Riêng đối với khu Đông thì phải giải quyết thêm những vấn đề gì, thưa GS?
Hệ thống giao thông. Đây là “mạch máu” của đô thị. Việc không xảy ra ùn tắc, kẹt xe đó mới là đô thị “khỏe mạnh”. Ở đó, người dân dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác chỉ mất từ 2 - 10 phút, rồi không phải tìm chỗ gửi xe…
Vì vậy, những đô thị sáng tạo phải là nơi mọi người thích sống, là đô thị mà người dân dễ dàng đi bộ được. Ở những đô thị đi bộ được, có những chuyện khá “bất ngờ”. Đơn cử như Hồng Công có rất nhiều tòa nhà cao tầng, trong đó trần thứ nhất của những tòa nhà này xây dựng bằng nhau, kết nối thành “đường băng” và mọi người dễ dàng đi bộ từ nhà cao này sang nhà cao khác. Cái hay của Hồng Công là họ biến đô thị thành 2 tầng đi bộ. Theo tôi, đây là một kinh nghiệm thực tế mà TP cần tham khảo học hỏi.
Tôi cũng mong rằng, TP xây dựng khu Đông thành đô thị đi bộ và phương tiện phục vụ cho khu đô thị này phải là xe buýt miễn phí để hạn chế ô tô và xe gắn máy cá nhân. Làm được vậy, chúng ta sẽ xây dựng được một đô thị sáng tạo có hệ sinh thái xanh - sạch, đó mới là đô thị đáng sống.
* Xin cám ơn GS!

Tin cùng chuyên mục