Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với nâng cao đời sống người dân

TP Thủ Đức xác định, từ nay đến năm 2025 phải lãnh đạo, triển khai thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những điểm mới, nổi bật. Riêng trong năm 2022, TP Thủ Đức đặt mục tiêu chọn ra được một số nhóm đối tượng để triển khai sớm không gian văn hóa Hồ Chí Minh như nhóm trường học, nhóm công nhân lao động, nhóm cộng đồng dân cư…

Chiều 26-5, Thành ủy TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức hội nghị góp ý kế hoạch xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy đặc trưng văn hóa của TP Thủ Đức.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, những năm qua, TP Thủ Đức đã lan tỏa mạnh mẽ các nội dung về học tập và làm theo Bác thông qua các phong trào, các hoạt động của Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Ở góc độ nào đó, những phong trào này đã phần nào cụ thể hóa việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Thủ Đức.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với nâng cao đời sống người dân ảnh 1 Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức nhấn mạnh, theo dự thảo chương trình hành động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Thành ủy TPHCM, đó không chỉ là không gian vật thể mà còn là không gian phi vật thể và không gian mạng. Đây là nội hàm rộng với tầm vóc mới, đòi hỏi phải có giải pháp để xây dựng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách đồng bộ, hiện diện trên các lĩnh vực đời sống xã hội và đi vào trong sinh hoạt của Đảng, các tổ chức cũng như đi vào đời sống người dân một cách nhẹ nhàng nhất, tình cảm nhất.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu mong muốn tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu để kế hoạch này được thực hiện hiệu quả, lâu dài. 

Chia sẻ thêm về đặc trưng của TP Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TP Thủ Đức là vùng đất phát triển sớm, từ những giai đoạn đầu hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nơi đây vừa có yếu tố lịch sử, vừa là thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước nên ở góc độ nào đó, TP Thủ Đức là địa phương tiêu biểu của TPHCM, có nhiều dư địa và những nét đặc trưng riêng để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Về lộ trình, TP Thủ Đức xác định, từ nay đến năm 2025 phải lãnh đạo, triển khai thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh có những điểm mới, nổi bật.

Riêng trong năm 2022, TP Thủ Đức đặt mục tiêu chọn ra được một số nhóm đối tượng để triển khai sớm không gian văn hóa Hồ Chí Minh như nhóm trường học, nhóm công nhân lao động, nhóm cộng đồng dân cư…. 

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với nâng cao đời sống người dân ảnh 2 Quang cảnh hội nghị

Góp ý tại hội nghị, PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Hóa TPHCM cho rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP Thủ Đức cần huy động rất nhiều nguồn lực, trong đó không chỉ vật lực mà phải huy động được trí lực.

“TP Thủ Đức có thể huy động sự sáng tạo của cộng đồng trong và ngoài nước bằng các cuộc thi để có nhiều ý tưởng độc đáo, riêng biệt cho TP Thủ Đức để khai thác được những đặc trưng riêng của TP Thủ Đức”, PGS.TS Lâm Nhân gợi ý.

Cũng theo ông Lâm Nhân, yếu tố hình thành nên không gian văn hóa là con người, môi trường, thiết chế và các hoạt động. Muốn xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải có con người thấm nhuần tư tưởng của Bác, do đó không thể một sớm một chiều, xây dựng văn hóa mà phải có một quá trình, phải biết kết nối thiết chế văn hóa truyền thống với không gian văn hóa sẽ xây dựng sắp tới; song song với đẩy mạnh tuyên truyền một cách xuyên suốt, trường kỳ để người dân hiểu và hành động, từng bước thấm nhuần.

Thạc sĩ Lê Văn Duẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ Thuật TPHCM nhận xét, TP Thủ Đức đã xác định được địa điểm để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Song, nếu chỉ xây dựng không gian văn hóa trong trường học, tại các chi bộ hoặc các doanh nghiệp dễ dẫn đến tình trạng xây dựng không gian văn hóa xong nhưng người dân không được hưởng thụ thì tính lan tỏa rất khó. Dó đó, TP Thủ Đức cần tập trung xây dựng không gian văn hóa ở các khu phố, khu dân cư để người dân dễ tiếp cận. 

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với nâng cao đời sống người dân ảnh 3 Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo

Đồng thuận với ý kiến đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại khu dân cư, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng cần có giải pháp để người dân tham gia, cùng làm nên những không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ từ những công trình của họ.

“Khi người dân làm thì họ sẽ gìn giữ, phát huy và từ đó sẽ lan tỏa trong khu dân cư, thẩm thấu trong từng người dân" bà Phạm Phương Thảo bày tỏ và nhấn mạnh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải chú trọng gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần giúp không gian ấy trường tồn, bền vững.

Theo kế hoạch, Thành ủy Thủ Đức  xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn và phát huy đặc trưng văn hóa của thành phố Thủ Đức nhằm thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân TP Thủ Đức. Nội dung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ các chi bộ, chi đoàn, chi hội, từ các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn. Phạm vi xây dựng không gian văn hóa phù hợp với các tầng lớp nhân dân, thể hiện nét đặc trưng văn hóa, hình ảnh TPHCM, TP Thủ Đức trong mỗi người dân.

TP Thủ Đức sẽ chọn một số chi bộ, đảng bộ, một số điểm trường làm điểm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Liên kết tổ chức mô hình đường sách và phát triển văn hóa đọc sách với đa dạng loại sách, nguồn sách, tác giả, tác phẩm. Qua đó lan tỏa thói quen đọc sách, tạo hiệu ứng tích cực để đưa việc giới thiệu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các thế chế văn hóa của TP Thủ Đức và các phường, các không gian mở ở nhiều khu vực, lĩnh vực khác nhau trên địa bàn làm cơ sở cho việc kiến tạo không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Thủ Đức trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục