Xây dựng kênh phân phối hiệu quả, an toàn

Các doanh nghiệp (DN) của tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực tìm chỗ đứng trong hệ thống phân phối, bao gồm cửa hàng, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị ở TPHCM. Để hỗ trợ bạn hàng “bắt nhịp”, tìm đầu ra cho các nhóm hàng đặc sản địa phương, hàng loạt DN trên địa bàn TPHCM cũng như các cơ quan chuyên trách cũng đã tích cực vào cuộc. Mục tiêu hướng đến chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ nhằm phục vụ thị trường tiêu dùng hơn 10 triệu dân ở TPHCM.
Doanh nghiệp TPHCM trao đổi với các doanh nghiệp Đồng Tháp về kết nối nguồn hàng
Doanh nghiệp TPHCM trao đổi với các doanh nghiệp Đồng Tháp về kết nối nguồn hàng

14 biên bản hợp tác

Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức xúc tiến, quảng bá hơn 10 đợt tại TPHCM nhằm giới thiệu đặc sản của tỉnh, về mục tiêu kết nối, hợp tác giữa các DN hai địa phương; đồng thời giới thiệu về cảnh đẹp, gắn kết kinh tế - du lịch của tỉnh. Ngay trong buổi xúc tiến gần đây nhất tại TPHCM, hơn 30 DN của Đồng Tháp đã có các buổi trao đổi trực tiếp về khả năng kinh doanh, hợp tác, ký kết đơn hàng cung ứng với các DN đối tác tại TPHCM. Trong số này, có 14 biên bản được ký kết với các hệ thống phân phối như Satra Mart, Saigon Co.op, LotteMart… 

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp như các sản phẩm từ sen với sản lượng 4.626 tấn/năm, xoài cát (93.000 tấn/năm), các loại cây có múi (quýt hồng, quýt đường) khoảng 92.000 tấn/năm… Đồng Tháp còn có vựa lúa trù phú đạt sản lượng trên 3,3 triệu tấn/năm, với diện tích gieo trồng khoảng 500.000ha, xuất khẩu gạo sang hơn 20 nước trên thế giới. Bên cạnh đó, địa phương nổi tiếng với 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp như làng chiếu Định Yên, làng hoa Tân Quy Đông; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình, mây tre, hoa sen sấy, khăn choàng Hồng Ngự… Với tiềm lực này, bà con nông dân cũng như các DN Đồng Tháp hoàn toàn có khả năng cung ứng nguồn hàng ổn định cho thị trường TPHCM. 

Trực tiếp “chào hàng” sản phẩm đến DN TPHCM, bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Công ty Hương Sen Việt, giới thiệu các sản phẩm trà của công ty được sản xuất theo quy trình hút chân không trong môi trường lạnh nên giữ được hương vị tự nhiên của sản phẩm. Do vậy, hướng đi tới đây của công ty là không chỉ phục vụ tại các hệ thống siêu thị trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số DN khác cũng lần lượt giới thiệu đến DN TPHCM các sản phẩm mây tre đan, lục bình để làm bao gói sản phẩm đặc sản các loại, hàng lưu niệm… phục vụ khách du lịch. “Tâm lý chung của người đi du lịch hiện nay là chọn mua đặc sản địa phương. Mẫu mã, bao bì sản phẩm sẽ thu hút người mua. Một chiếc bánh gai nhỏ xinh được đựng trong chiếc túi làm bằng lục bình sẽ thật duyên dáng, làm tăng giá trị sản phẩm. Thị trường tiêu thụ các mặt hàng mây tre đan, lục bình dùng làm bao gói, quà tặng ở TPHCM cực kỳ tiềm năng. DN Đồng Tháp nên tìm cách khai thác triệt để”, giám đốc một hãng lữ hành ở TPHCM, đánh giá.

Chuyên nghiệp hóa, nâng chất lượng sản phẩm

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thông tin nhu cầu tiêu thụ hàng năm của hơn 10 triệu dân TP lên tới 700.000 tấn gạo, 216.000 tấn thịt heo, 200.000 tấn rau củ quả... các loại, nhưng hàng hóa nhập chủ yếu từ các tỉnh bạn, lên tới 85%-90%. Nguồn hàng đáp ứng tại chỗ chỉ khoảng 10%. Chính vì vậy, việc kết nối tận nơi sản xuất, để đáp ứng nguồn cung ổn định, đảm bảo chất lượng là mục tiêu đặt ra cho TP trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, bà Nguyễn Huỳnh Trang lưu ý, mặc dù nhu cầu tiêu thụ hàng hóa các loại của người dân TPHCM rất lớn, nhưng người tiêu dùng không hoàn toàn dễ dãi. Vì thế, các đơn vị cung ứng nên chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo chuỗi sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm… để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng TPHCM. 

Đáng chú ý, có một thực tế được bà Nguyễn Huỳnh Trang chỉ ra đó là DN dễ “gãy” hợp đồng sau khi ký kết các biên bản hợp tác bởi chưa đủ khả năng cung ứng nguồn hàng lớn, ổn định cho đối tác. Nhiều trường hợp như thế đã gây ảnh hưởng đến niềm tin, uy tín của DN. Trước thực tế này, bà con nông dân, DN nên chủ động kết nối với nhau, đầu tư thêm công nghệ… để tạo chuỗi cung ứng ổn định, sản phẩm đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường, đủ nguồn hàng phục vụ đối tác. Tránh tình trạng ký kết hợp tác rồi bị “gãy” hợp đồng do thiếu nguồn cung ứng. 

Bà Út Nương, một tiểu thương chuyên doanh ngành hàng trái cây tươi tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết cửa hàng của bà vào mùa cao điểm cung ứng ra thị trường hàng chục tấn trái cây đủ loại. Tương tự, ông Bùi Thanh Vân, chuyên doanh ngành hàng trái cây sấy khô (chợ đầu mối Hóc Môn), cũng chia sẻ ngoài việc kinh doanh hàng hóa tại chợ, ông còn có cơ sở chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản (khoai lang, mít, chuối…) để xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng là khá lớn. “Doanh nghiệp TPHCM rất mong muốn được hợp tác, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, bà con nông dân của tỉnh Đồng Tháp, từ đó ký kết các đơn hàng lớn, nguồn hàng ổn định, đỡ phải chịu cảnh chạy “ăn từng bữa” vì hụt nguồn hàng. Tuy nhiên, bà con cũng hỗ trợ chúng tôi bằng cách đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, hợp chuẩn”, ông Bùi Thanh Vân đề nghị.

Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối chặt chẽ với bạn hàng, DN… sẽ giúp gia tăng tính cạnh tranh, đảm bảo đầu ra cho nông sản Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh thành muốn hợp tác với TPHCM nói chung.

Tin cùng chuyên mục