Xây dựng chiến lược “nội địa hóa” nguồn nguyên liệu sản xuất

Giá nguyên liệu tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2020, giao hàng chậm, chuỗi logistics đứt gãy kéo theo chi phí vận chuyển tăng cao… đang là những vấn đề mà doanh nghiệp (DN) trong nước gặp phải khi phục hồi sản xuất sau đại dịch. Một chiến lược nội địa hóa với các giải pháp ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp DN chủ động được “đầu vào”. 

Phụ thuộc nhập khẩu

Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành nhựa nhập khẩu 5,33 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu với trị giá 8,86 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 47,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Với nguyên - phụ liệu ngành dệt, may, da, giày, kim ngạch nhập khẩu là 19,6 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu nguyên liệu chính của các DN Việt Nam.

Sản xuất ống nhựa cung cấp cho những công trình trọng điểm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh, cho biết, có đến 80% nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất trong nước được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã khiến hoạt động sản xuất của các nhà máy trên thế giới gián đoạn, nhiều hãng tàu biển phá sản..., dẫn tới nguồn nguyên liệu khan hiếm, tăng giá. Giá nguyên liệu nhựa đã tăng từ 20%-300% (tùy loại) so với năm 2019. Theo ông Ngân, từ tháng 6-2021 đến nay, giá nguyên liệu tăng cộng với chi phí phát sinh cho công tác phòng chống dịch bệnh và phải gián đoạn một phần sản xuất đã khiến doanh thu của công ty bị giảm sâu, nguy cơ lỗ là khó tránh khỏi. 

Ngành dệt may, da giày, hóa chất, phụ gia… cũng gặp khó do thiếu nguyên liệu. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May Sài Gòn 3, hiện nay các DN Trung Quốc đang phục hồi sản xuất mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu sử dụng nguyên liệu tăng; nguồn nguyên liệu sản xuất tại Trung Quốc tập trung cho các DN nội địa. Mặt khác, xu hướng phát triển của Trung Quốc là không ưu tiên phát triển những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên sản lượng các ngành dệt nhuộm, hóa chất, phụ gia… giảm mạnh, khiến DN Việt thêm khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 

“Khống chế” nguyên liệu xuất khẩu

Bàn về vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, theo các chuyên gia, cần cả giải pháp ngắn hạn và dài hơi. Trước mắt, nhiều DN kiến nghị Chính phủ cũng như cơ quan chức năng liên quan cần minh bạch danh sách và dữ liệu các DN đang xuất khẩu nguyên liệu sản xuất. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có rất nhiều DN trong nước đang sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đều là nguyên liệu mà các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần. Trong khi đó, DN trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu, cộng thêm chi phí vận chuyển, kiểm định… sẽ có giá cao hơn giá của các DN sản xuất nguyên liệu trong nước. “Nếu các DN trong nước kết nối cung ứng khép kín thị trường trong nước sẽ giúp loại bỏ nguy cơ thiếu hoặc phải mua nguyên liệu nhập với giá cao, rút ngắn thời gian vận chuyển; đặc biệt, giảm rủi ro gián đoạn sản xuất do sự đứt gãy logistics toàn cầu hiện nay”, ông Vũ Đức Giang đặt vấn đề. 

Ở góc độ khác, cơ quan chức năng liên quan cần tính đến yếu tố ưu tiên thu hút đầu tư các ngành sản xuất nguyên liệu, nhất là nguyên liệu phục vụ cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đi kèm với đó là điều kiện về tỷ lệ phải cung ứng cho thị trường nội địa đối với DN FDI, tránh tình trạng các DN này áp dụng quy trình sản xuất, tiêu thụ khép kín trong hệ thống chuỗi cung ứng, dẫn đến tình trạng nguyên liệu trong nước sản xuất dư, nhưng DN nội vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Về lâu dài, các DN cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy sớm hình thành chiến lược nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Theo đó, tập trung rà soát, chọn lọc những DN sản xuất nguyên liệu có kim ngạch xuất khẩu ổn định ở mức 200 triệu USD/năm trở lên, hỗ trợ các DN này mở rộng sản xuất và cung ứng nguyên liệu. Cùng với đó, liên kết họ trong cùng một hệ sinh thái nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, duy trì sản xuất bền vững.

Tin cùng chuyên mục