Xây dựng các kịch bản để đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch

Ngày 10-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: VIẾT CHUNG

Hội nghị có 4 nội dung: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xử lý vấn đề an sinh xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hội nghị có 101 điểm cầu trực tuyến từ 63 tỉnh thành, 38 bộ, cơ quan Trung ương. Riêng TPHCM kết nối trực tuyến đến 24 quận huyện.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả cách ly xã hội

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong thời điểm hiện nay đang triển khai quyết liệt Chỉ thị 15 và 16 với kết quả bước đầu khả quan, tuy vậy sự lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng vẫn đang diễn ra ở một số nơi, số ca lây nhiễm hàng ngày vẫn tăng lên. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, coi việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.

Về kinh tế, Thủ tướng nhận định chúng ta đang trong giai đoạn hội nhập sâu, có độ mở cao nhưng lại đang yếu cả cung và cầu, các ngành đều bị ảnh hưởng nặng do dịch, sản xuất thì thiếu nguyên liệu… Trong quý 1, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy đây là mức tăng cao nhất khu vực nhưng các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.

Do đó, vấn đề cấp bách, rất hệ trọng, mang tính sống còn trong thời gian tới là phải khôi phục sản xuất kinh doanh. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội. “Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển”, Thủ tướng cảnh báo. Chính phủ sẽ có Nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt.

Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng cho biết có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Về gói chính sách tiền tệ (với tổng số 300.000 tỷ đồng), tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới, ngành ngân hàng cả nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này.

Bên cạnh đó là gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng với 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng.
“Càng khó khăn càng phải tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau dịch”, Thủ tướng chỉ rõ. 
Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Vấn đề quan trọng là phải thực hiện kịp thời, đến tận tay người bị thiệt hại.

Trực tiếp giải quyết kiến nghị của các tỉnh, thành

Nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm, Thủ tướng đề nghị các địa phương nỗ lực cùng Chính phủ và cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Cần có chế tài kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, địa phương không chịu giải ngân, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…

Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra. Thủ tướng lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định “sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo”. Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát nhằm bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi người nông dân. Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh, trật tự xã hội. Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh sản xuất, cùng với xuất khẩu phải chú trọng thị trường trong nước. Bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi cần chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt heo.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này. 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Thống nhất chủ trương giảm giá điện
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự kiến, với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý 2-2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 100.000 - 110.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng. Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5%), thu ngân sách nhà nước sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics…

Đối với giá điện, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện cho một số đối tượng chịu tác động bởi dịch nhưng kiến nghị EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Cụ thể hóa các kịch bản vực dậy nền kinh tế

Trường hợp dịch được khống chế trong quý 2, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý 3 thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%. Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn. Cần hình thành sớm các kịch bản vực dậy nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng: Tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp

Sau khi Ngân hàng Nhà nước làm việc trực tiếp, các tổ chức tín dụng đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới. Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các tổ chức tín dụng, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng và cho vay mới với doanh số cho vay là khoảng xấp xỉ 180.000 tỷ đồng. Tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đồng hành cùng cộng đồng khách hàng vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung: Thực hiện gói an sinh xã hội trên 62.000 tỷ đồng

Về thực hiện gói an sinh xã hội, sẽ có khoảng 20 triệu người được thụ hưởng gói hỗ trợ trên 62.000 tỷ đồng. Đó là những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục