Xâm nhập mặn đe dọa vùng đất Chín Rồng

Khu vực sông Mê Công tiếp nhận lượng mưa và lũ rất thấp vào năm 2019, đặc biệt là vào đầu mùa mưa. Cụ thể, mực nước không chỉ bắt đầu lên muộn mà còn xuống sớm hơn bình thường. Hầu hết các số liệu đo cho thấy, mực nước xuống các mức thấp hơn mức tối thiểu lịch sử quan sát và ghi nhận được.

Sự thiếu nước nói chung ở khu vực sông Mê Công năm 2019, rất có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với việc cung cấp nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô 2019-2020. 

Xâm nhập mặn đe dọa vùng đất Chín Rồng ảnh 1 Sông Tiền thuộc sông Mê Công qua tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CAO THĂNG

Nguồn cung cấp thực phẩm bị giảm sút

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu trái đất Posdam (Đức) và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Đại học Quốc gia TPHCM), khả năng xâm nhập mặn nghiêm trọng ở ĐBSCL trong năm 2020. Tại trạm tham chiếu Sơn Đốc (tỉnh Bến Tre), kết quả cho thấy độ mặn trong tháng 2 và tháng 3 có khả năng vượt quá ngưỡng độ mặn gây hại với xác suất cao.

Dựa trên chỉ số ENSO34 vào tháng 4-2019, độ mặn trung bình chắc chắn sẽ vượt quá 3g/l (xác suất 100%) và khả năng vượt quá 4g/l là rất cao (xác suất 88%). Độ mặn, khi vượt quá 3g/l, sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc sử dụng nước sông cho tưới tiêu nông nghiệp và cung cấp nước uống. Trong khi đó, nước sông với độ mặn 4g/l chắc chắn không thể được sử dụng làm nguồn cung cấp nước uống và tưới tiêu cho ruộng lúa và hầu hết các loại cây trồng khác.

So sánh với các lần xâm nhập mặn nghiêm trọng trước đây, nhất là mùa khô 2015-2016, làm dấy lên mối lo ngại lớn về một vụ xâm nhập mặn nghiêm trọng khác ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động cung cấp nước ở vùng ven biển ĐBSCL trong thời gian tới. 

Theo phân tích của GS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, đối với ĐBSCL, các yếu tố bền vững của nông nghiệp nói trên càng trở nên bức thiết, gắn kết chặt chẽ với nhau, khi khu vực này do đặc thù địa lý đang phải chịu những tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và kết quả khai thác của các nước ở thượng nguồn sông Mê Công.

Bên cạnh sự biến đổi ngày càng thất thường và cực đoan của khí hậu thời tiết, thiên tai, mưa bão, hạn hán, việc mất an ninh nguồn nước ngọt và thiếu hụt phù sa của sông Mê Công chảy về ĐBSCL làm tăng thêm cường độ khô hạn. Xâm nhập mặn, khiến môi trường bị suy thoái do không được thau rửa, vệ sinh; hiện tượng sạt lở bờ sông, sụt lún đất ở cả đô thị và đồng bằng ngày càng trở nên nghiêm trọng; nguồn cá tự nhiên cũng bị sút giảm đáng kể, đe dọa sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, đời sống người dân ở vùng nông nghiệp hàng hóa lớn nhất cả nước.

Đồng bộ các giải pháp 

Các chuyên gia cho rằng, kết quả mô hình dự báo vì thế xác nhận mối lo ngại gia tăng về một loạt các đợt xâm nhập mặn trong mùa khô sắp tới. Điều này cho thấy sự cần thiết xây dựng các kế hoạch thích ứng với xâm nhập mặn và quản lý cây trồng. Các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực của xâm nhập mặn tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng cần quan tâm và nên được phổ biến các giải pháp phù hợp.

Theo đó, cần có các giải pháp chuyển đổi cây trồng hợp lý hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế. Các giải pháp hướng thích ứng này là một bước quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế như đã xảy ra trong năm 2016.

Giải pháp ứng phó để phát triển ĐBSCL phải là tổng hòa của nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về hạ tầng thủy lợi, giải pháp về tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu ngành và các giải pháp khác thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Tuấn Anh, để hạn chế những tác động từ xâm nhập mặn, nước biển dâng, xói mòn... ở ĐBSCL, chúng ta cần thống nhất nhận thức, biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược, việc khai thác lưu vực sông Mê Công gây bất lợi là không tránh khỏi.

Từ đó phải tìm ra những giải pháp tối ưu trong xây dựng và vận hành các hệ thống thủy lợi, cống, đập, hồ, để giảm thiểu, khắc chế những tác động bất lợi nói trên. Quan trọng hơn, cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, cả trong cách tổ chức sản xuất và lựa chọn cơ cấu mùa vụ, cây trồng.

Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất hoàn chỉnh các giải pháp cải tạo đất mặn, mặn phèn vùng ven biển bằng thủy lợi (rửa mặn, cấp ngọt, đê bao ngăn mặn). Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi nhằm chủ động cấp thoát nước, kiểm soát quá trình thâm nhập mặn và trữ nước ngọt.

Các địa phương cần quy hoạch công trình thủy lợi phục vụ cho chuyển đổi mục đích sản xuất, đảm bảo có thể lấy đủ nước mặn, ngọt cho phát triển nuôi thủy sản mặn, lợ (chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú) trong mùa khô và cung cấp đủ nước ngọt, thoát nước trong mùa mưa, phục vụ cả sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Đặc biệt, cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp toàn vùng ĐBSCL trong điều kiện có xét đến xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi các vùng ven biển, xây dựng các vùng nuôi thâm canh thủy sản nước mặn, lợ.

Theo số liệu quan sát được, tình hình thiệt hại đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân mùa khô 2015-2016 tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL rất lớn. Ở Kiên Giang, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn là 65.679ha; ở Cà Mau là 49.343ha và ở Bạc Liêu là 11.383ha. Vào những năm ít nước, đến mùa khô nguồn nước mặn có thể xâm nhập vào sâu trong các sông tới 70km từ biển, gây nên tình trạng nhiễm mặn nguồn nước và đất.

Tin cùng chuyên mục