Xâm hại trẻ em: Bức xúc vì chậm khởi tố

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, phức tạp với nhiều vụ việc gây lo lắng trong dư luận xã hội. Trong khi đó, nhiều vụ bị “tạm đình chỉ”, không tìm ra đối tượng xâm hại, không khởi tố vụ án… khiến người dân bức xúc. Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại?
Hội LHPN quận Gò Vấp triển khai chuyên đề “Phòng, chống xâm hại trẻ em” tại các trường học trên địa bàn quận. Ảnh: HỒNG VỊNH
Hội LHPN quận Gò Vấp triển khai chuyên đề “Phòng, chống xâm hại trẻ em” tại các trường học trên địa bàn quận. Ảnh: HỒNG VỊNH

Chọn lên tiếng thay vì im lặng

Năm 2018, cả nước có 1.269 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em với nhiều hình thức. Đầu năm 2019, hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em cũng đã xảy ra, gây bức xúc lớn trong dư luận. Những con số trên có thể gây hoang mang trong dư luận xã hội nhưng lại phản ánh một khía cạnh khá tích cực, đó là ngày càng nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng nhờ sự lên tiếng của nạn nhân, gia đình và xã hội. Nếu như nhiều năm trước đây, vì đau lòng, vì lo cho tương lai của trẻ, hầu hết nạn nhân và gia đình chọn cách im lặng, tự giải quyết với đối tượng xâm hại hoặc đơn độc, thậm chí bất lực trong hành trình đi đòi công lý cho trẻ. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, chia sẻ báo chí, dư luận xã hội đã buộc các cơ quan công quyền thực thi chức trách khẩn trương hơn. Điển hình là vụ bé gái 10 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị đối tượng Nguyễn Trọng Trình trú cùng địa bàn xâm hại tình dục với những chứng cứ rõ ràng. Tuy nhiên, tội danh mà Công an huyện Chương Mỹ áp dụng với Trình là dâm ô với người dưới 16 tuổi và chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, đã bị dư luận phản ứng dữ dội.

Trong sáng 18-3, nhiều nhà báo đã đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em chờ hội ký văn bản phản đối quyết định của Công an huyện Chương Mỹ. Cùng với sự lên tiếng của nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, ngay trong ngày hôm đó, đối tượng Trình đã bị bắt tạm giam và Công an huyện Chương Mỹ bị xem xét trách nhiệm trong việc xử lý chưa đúng bản chất vụ việc. Theo bà Thanh Hòa, tuy nhận thức của xã hội về vấn đề này đã được nâng lên nhưng việc ngăn ngừa, kéo giảm tình trạng xâm hại tình dục trẻ em thì chưa tốt.

Tại TPHCM, từ năm 2016 đến nay, cơ quan điều tra trên địa bàn TPHCM đã khởi tố 282 vụ xâm hại trẻ em. Mặc dù các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa và có nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em, nhưng số vụ xâm hại trẻ em vẫn liên tục gia tăng ở nhiều địa bàn như ở các quận, huyện: 12, Bình Tân, Hóc Môn, Nhà Bè…

“Chúng ta có đầy đủ pháp lý và tuyên truyền thường xuyên, nhưng vì sao tình trạng xâm hại trẻ em không giảm mà còn gia tăng?”, bà Trần Hải Yến, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, trăn trở. Bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cũng thừa nhận, văn bản về các hoạt động bảo vệ trẻ em không thiếu gì, nhưng trên địa bàn quận vẫn xảy ra các vụ trẻ em bị xâm hại, trẻ em sống mất an toàn. 

Cần giám định ngay

Ông Nguyễn Nhật Nam, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, đánh giá số vụ xâm hại trẻ em được cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết không phản ánh đúng thực trạng của loại tội phạm này. Từ năm 2016 đến nay, trong 270 vụ các cơ quan tố tụng thụ lý giải quyết thì có đến 101 vụ sau đó phải đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra (chiếm 37% tổng số vụ thụ lý).

“Nạn nhân trình báo chậm; dấu vết, chứng cứ vật chất không đủ căn cứ để buộc tội; vụ việc không có người làm chứng… gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý vụ án”, ông Nguyễn Nhật Nam giải thích.

Theo ông Nam, việc xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, ngoài mục đích giao cấu còn các hành vi khác, nhưng đến nay luật chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó áp dụng xử lý triệt để. Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đề nghị cần sửa đổi, quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội danh độc lập, nên quy định cụ thể hơn về việc ẩn danh với bị hại…

Tại huyện Hóc Môn, Thiếu tá Lê Đức Song, Phó Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Hóc Môn, cho biết có vụ việc xảy ra từ năm 2017 nhưng đến tháng vừa rồi nạn nhân mới đến trình báo việc bị xâm hại. Sự chậm trễ này khiến việc thu thập dấu vết, giám định là rất khó, cho dù việc giám định được thực hiện ngay sau khi trình báo. Không những bị hại trình báo chậm, nhiều vụ còn khó xử lý ở chỗ không có nhân chứng, chứng cứ và cơ quan điều tra không thể khởi tố vụ án chỉ căn cứ dựa trên lời khai của nạn nhân. Dẫn chứng vụ việc thầy giáo dâm ô học sinh ở trường học, Thiếu tá Lê Đức Song đề nghị, nếu nhà trường gắn nhiều camera ở trường thì thầy giáo không có “môi trường” dâm ô các em được; việc gắn camera này nhà nước có đủ chức năng, thẩm quyền và nguồn lực để làm.

Thượng tá Trương Minh Đức, Phó Trưởng Công an huyện Hóc Môn, tán đồng với việc cần rà soát, lắp đặt camera và có các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em tại những nơi tiềm ẩn nguy cơ như tụ điểm công cộng, lớp học, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương đề nghị sớm công khai quy trình người dân cần làm khi con em bị xâm hại, tránh tình trạng không biết kêu ai. Dẫn chứng nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra trong nhà nghỉ, khách sạn, trong khi đã có quy định người thuê nhà nghỉ, khách sạn phải xuất trình giấy tờ tùy thân.

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI, đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam: Tuyên truyên cách thức ứng phó cho trẻ 

Để khắc phục sự thiếu thông tin, thiếu kiến thức phòng chống xâm hại trẻ em, trong thời gian tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ tổ chức nhiều diễn đàn ở các địa phương để cung cấp kiến thức nhận diện hành vi xâm hại và cách thức ứng phó cho trẻ em và phụ huynh. Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức các kênh kết nối thông tin với trẻ em, động viên khuyến khích các em chia sẻ vấn đề với cha mẹ, người thân trong gia đình và hướng dẫn các em tìm kiếm sự giúp đỡ trong những trường hợp không dám chia sẻ với gia đình. Đồng thời cũng sẽ chỉ đạo các cấp hội sẵn sàng “giương ăng ten” để lắng nghe, tiếp nhận các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, cam kết hỗ trợ kịp thời đối với trẻ em bị xâm hại và gia đình, đồng hành để yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM: Tình trạng xâm hại trẻ em là đáng báo động

Tôi rất đau xót trước tình trạng trẻ em bị xâm hại và gia đình các em lúng túng khi đến các nơi yêu cầu bảo vệ quyền lợi thì các nơi chỉ qua chỉ lại nên việc giám định chậm trễ, không có cơ sở xử lý vụ việc. Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở TPHCM rất đáng báo động khi gia tăng nhiều trong thời gian qua. Điều quan tâm bây giờ là phải đẩy mạnh công tác truyền thông phòng ngừa, nâng cao nhận thức của phụ huynh để bảo vệ con em mình. Trong đó, cần tập trung tới nhóm đối tượng con em người nhập cư ở các nhà trọ. Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM sẽ giám sát việc phòng chống xâm hại trẻ em tại quận, huyện và sở, ngành. Sau đợt giám sát, chúng tôi sẽ kiến nghị với UBND TPHCM các giải pháp cụ thể để tăng cường bảo vệ trẻ em. 

Bà NGUYỄN THỊ TỐ TRÂM, đại biểu HĐND TPHCM: Người dân cảm thấy không được bảo vệ

Mới đây, một em bé 5 tuổi ở quận Tân Bình, TPHCM, bị hàng xóm xâm hại từ 16 giờ chiều. Hai mẹ con phải chạy lòng vòng từ phường lên quận, rồi tới trung tâm giám định, nhưng mãi đến 24 giờ đêm vẫn không được giám định... vì các nơi chỉ qua chỉ lại. Cuối cùng, phải tới sáng hôm sau, khi họ cầu cứu lên các hội ở cấp TP, em bé mới được trợ giúp đưa đi giám định. Ngay trung tâm TPHCM, việc hai mẹ con phải đi suốt đêm để được bảo vệ quyền lợi cho mình là việc rất cần suy nghĩ. Đối tượng sau đó cũng được thả ra. 

Khi xảy ra vụ việc bị xâm hại, yêu cầu là phải giám định ngay để tìm chứng cứ, nhưng bắt hai mẹ con đi lòng vòng như vậy thì còn gì để mà giám định? Dù chúng ta có tuyên truyền thế nào thì cũng đổ sông đổ biển hết, khi người dân thấy không được bảo vệ và đối tượng không bị xử lý. 

Tin cùng chuyên mục