Xác nhận hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt gần 99% kế hoạch

Chiều nay 10-8, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông tin tới báo chí, các đơn vị bảo hiểm xã hội trên cả nước đã hoàn thành thủ tục xác nhận đủ điều kiện được hỗ trợ tiền thuê nhà (có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg cho tổng cộng 3.358.743 người lao động đang thuê nhà trọ và có hồ sơ đề nghị. 
Cơ quan bảo hiểm xác nhận hồ sơ cho người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà

Trong đó, số người được xác nhận theo mẫu số 02 (đang làm việc tại các doanh nghiệp, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/tháng, hỗ trợ tối đa 3 tháng) là 3.162.600 lao động.

Còn số người được xác định theo mẫu số 03 (quay trở lại thị trường lao động, được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, hỗ trợ tối đa 3 tháng) là 196.143 lao động. 

Trong khi theo dự kiến của Bộ LĐTB-XH, tổng số người lao động cần được hỗ trợ tiền thuê nhà trên cả nước là khoảng 3,4 triệu người, tổng mức tiền cần giải ngân để hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận đạt gần 99% so với kế hoạch dự kiến.  

Bàn giao tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động tại các doanh nghiệp, nhưng tiến độ còn rất chậm

Tuy nhiên, tiến độ hỗ trợ tại các địa phương hiện triển khai rất chậm (theo ước tính mới chỉ đạt 1/10 tổng số người đã được xác nhận).

Trong tháng 7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Chính phủ cũng nêu rõ ngân sách Trung ương chi 100% hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Mới đây, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương khẩn trương xác định nguyên nhân, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. 

Tổng LĐLĐ Việt Nam (tổ chức khởi xướng đề nghị) mới đây cũng có công văn đề nghị thúc đẩy tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg để giảm bớt khó khăn cho người lao động trong cơn bão giá. 

Theo phản ánh, nguyên nhân chậm là do nhiều địa phương, doanh nghiệp đang có tâm lý “sợ sai” hoặc gây khó dễ. Về nguyên tắc, hồ sơ hỗ trợ chỉ cần có hợp đồng thuê nhà trọ, có xác nhận của chủ nhà, nhưng cơ quan chức năng yêu cầu người lao động phải có thêm xác nhận tạm trú của chính quyền địa phương, cùng nhiều thủ tục khác…

Đây là chính sách nhân văn, tốt đẹp nên các địa phương, doanh nghiệp, sở ngành cần rốt ráo triển khai, đừng để các loại thủ tục hành chính trở thành rào cản, khiến người lao động chán nản, không còn tha thiết nhận hỗ trợ nữa.

Sự chậm trễ không chỉ ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu lao động, mà còn ảnh hưởng tới niềm tin vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục