Xác định hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam” lưu thông nội địa

Theo Bộ Công thương, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; tuy nhiên, các quy định này phần lớn áp dụng cho hàng xuất khẩu và nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp lúng túng trong xác định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm lưu thông trong nước (nhằm phục vụ mục đích ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) hoặc khi có yêu cầu kiểm tra, chứng minh xuất xứ hàng hóa của các cơ quan quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc thiếu quy định về bộ tiêu chí để xác định nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng gây khó khăn cho chính các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc.

Vì vậy, dự thảo nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” do Bộ Công thương đề xuất (dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong quý 4-2020) sẽ quy định các tiêu chí để giúp doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng có thể làm căn cứ xác định và phương thức thể hiện một hàng hóa nào đó là “Sản phẩm của Việt Nam” hoặc “Sản xuất tại Việt Nam” khi lưu thông trên thị trường nội địa.

Dự thảo cũng quy định phương thức thể hiện nguồn gốc hàng hóa trong trường hợp cá nhân, tổ chức không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục