Xác định 135 nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế ​

“Kế hoạch đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết. 
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp

Chiều 12-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2016-2020, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém – người đứng đầu ngành KH-ĐT thẳng thắn nhận định.

Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm; các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế còn hạn chế ở nhiều nội dung (cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững; việc lập và phê duyệt các quy hoạch còn chậm; một số thị trường còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc)…

Nêu những nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới, kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.  Đó là hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu đề ra; hát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước.  

Bên cạnh đó là cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị- nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhóm giải pháp quan trọng thứ 5, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là nâng cấp chuỗi giá trị các ngành dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy yếu tố con người, giá trị văn hoá, truyền thống, lịch sử, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Kế hoạch đã xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát”, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tin cùng chuyên mục