Xã hội hóa trung tâm thương mại ngầm

Công ty Toshin Development (Nhật Bản) đưa ra phương án làm một khu phố ngầm nối từ ga metro trung tâm Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố, với tổng diện tích công trình là 45.420m2
Các công nhân đang thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Các công nhân đang thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Chiều 2-8, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị cùng các sở ngành về dự án xây dựng trung tâm thương mại ngầm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên gồm 14 nhà ga. Trong đó, nhà ga trung tâm Bến Thành là nhà ga tích hợp, đóng vai trò trung chuyển giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 3a và 4.
Thiết kế sơ bộ của nhà ga trung tâm Bến Thành bao gồm trung tâm thương mại ngầm được nghiên cứu bởi nhóm nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) như sau: nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 1 và nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 4 sẽ nằm tại tầng hầm B2; nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ nằm tại tầng hầm B4; tầng hầm B3 là tầng trung chuyển hành khách giữa các tuyến; tại tầng hầm B1 dự kiến sẽ xây dựng một trung tâm thương mại ngầm kéo dài dọc theo đường Lê Lợi hướng về nhà ga Nhà hát TP (dài khoảng 550m).
Đối với dự án trung tâm thương mại ngầm khu vực Bến Thành, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, dự án chia thành hai hợp phần, về hợp phần công cộng có tổng mức đầu tư khoảng 2.177 tỷ đồng (chiếm 25,5% tổng mức đầu tư) bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản (theo điều kiện vay STEP).
Riêng hợp phần khu thương mại, có tổng mức đầu tư khoảng 6.359 tỷ đồng (chiếm 74,5% tổng mức đầu tư) do doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam thực hiện, trong đó, Nhật Bản đầu tư 4.769 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh nghiệp Việt Nam khoảng 1.500 tỷ (chiếm 25%).
Ban Quản lý đường sắt đô thị đề xuất UBND TP, hợp phần này cần phải đàm phán lại, vì doanh nghiệp Việt Nam chỉ được tham gia với tỷ trọng quá ít. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đề nghị TP tham gia đầu tư xây dựng và khai thác hợp phần này. 
Sau khi nghe báo cáo, phân tích, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị phối hợp với các sở ngành liên quan tính toán giảm dự toán tuyến số metro 1 Bến Thành - Suối Tiên, nếu hạng mục nào không liên quan đến hiệp định vay thì không đưa vào dự toán vì nợ công tăng cao và hạng mục nào không bị ràng buộc bởi hợp đồng trong tuyến metro số 1 thì kêu gọi xã hội hóa để đầu tư.
Liên quan đến dự án xây dựng trung tâm thương mại ngầm, ban quản lý làm tờ trình báo cáo Chủ tịch UBND TP có ý kiến, nếu cần thiết xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết về vấn đề này. 
Theo báo cáo của Công ty Toshin Development (Nhật Bản) về dự án Trung tâm thương mại ngầm khu vực Bến Thành, công ty này đã đưa ra phương án làm một khu phố ngầm nối từ ga metro trung tâm Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố. Tổng diện tích công trình là 45.420m2, trong đó phố đi bộ ngầm là 21.620m2 và khu mua sắm, ẩm thực, vui chơi, giải trí là 16.850m2, còn lại là các công trình phụ.
Dự án có tổng mức đầu tư dự tính là 8.392 tỷ đồng, trong đó vốn của UBND TPHCM vay ODA là 4.982 tỷ đồng sẽ dùng để xây dựng lối đi công cộng, quảng trường công cộng và các công trình phụ trợ đi kèm. Phần còn lại là vốn của nhà đầu tư nhằm xây dựng và quản lý khu vực mua sắm bằng hình thức đầu tư trực tiếp, và xây dựng một phần dự án công bằng nguồn vốn tư nhân theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo tính toán của Toshin Development, thời gian dự kiến xây dựng là từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2024; còn thời gian thu hồi phần vốn nhà nước trong vòng 13 năm kể từ ngày công trình đi vào hoạt động.

Tin cùng chuyên mục