Xã hội hóa - nguồn lực then chốt phát triển du lịch Bình Phước

Là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, được đánh giá có nhiều tiềm năng về du lịch (DL) sinh thái - văn hóa - truyền thống về nguồn, nhưng đến nay về cơ bản, du lịch Bình Phước vẫn chậm phát triển. 
Khách du lịch tham quan thác nước ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: HOÀNG BẮC
Khách du lịch tham quan thác nước ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: HOÀNG BẮC

Dưới ánh sáng Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và sự vào cuộc chủ động của các tỉnh, thành trong vùng, DL Bình Phước đang kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong những năm tới bằng các giải pháp thiết thực. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, chung quanh vấn đề trên.  

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số nét về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh?

Đồng chí TRẦN TUYẾT MINH: Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt được một số kết quả. Cụ thể như sau: Công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng DL được đẩy mạnh. Hiện có 7 dự án trọng điểm đang được triển khai với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 10.300 tỷ đồng, gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Di tích Tà Thiết), Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng), Khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá, Khu du lịch Hồ Suối Cam (TP Đồng Xoài), Dự án phim trường ngoài trời kết hợp với DL sinh thái trảng cỏ Bù Lạch, Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bù Gia Mập và Hợp phần DL cộng đồng tại xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh). Xây dựng thành công ứng dụng “Cổng DL thông minh tỉnh Bình Phước” cung cấp các tiện ích để hỗ trợ du khách, có thể tiếp cận đầy đủ các thông tin về DL của tỉnh bằng 2 thứ tiếng Việt và tiếng Anh. Các chương trình hợp tác phát triển DL nội địa và tuyến quốc tế được tỉnh rất chú trọng và quan tâm triển khai thực hiện, mà cụ thể gần đây nhất là Chương trình liên kết phát triển DL vùng Đông Nam bộ được ký kết cuối tháng 6-2020 tại tỉnh Tây Ninh. Lượng khách đến và doanh thu DL của Bình Phước tiếp tục tăng đều, từ 265.239 lượt khách năm 2017 tăng lên 912.270 lượt khách trong năm 2019; doanh thu từ 253,6 tỷ đồng năm 2017 tăng lên 570,7 tỷ đồng vào năm 2019. Bình Phước đang phấn đấu tăng số lượng khách và doanh thu từ DL cao hơn nữa trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bình Phước được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng về DL nhưng đến nay ngành DL vẫn chưa phát triển, vì sao? 

Bình Phước đang có nhiều điểm DL tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức, cụ thể là: Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Tà Thiết, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng ở sóc Bom Bo, Quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá, Trảng cỏ Bù Lạch và nhiều điểm đến hấp dẫn khác. Sự phát triển ngành DL chưa xứng tầm với tiềm năng là sự trăn trở lớn của tỉnh và có nhiều “nút thắt” được tỉnh xác định cần phải ưu tiên tháo gỡ. Đó là hạ tầng giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh, thành trong vùng chưa rút ngắn được thời gian di chuyển của du khách và ưu tiên gỡ xong “điểm nghẽn” các tuyến giao thông trọng yếu kết nối TPHCM với các địa phương trong vùng. 

Hiện nay, hệ thống dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, 82 cơ sở lưu trú đã được phân loại xếp hạng với trên 1.270 phòng, trong đó 20 cơ sở lưu trú xếp hạng từ 1-3 sao, còn lại là các cơ sở lưu trú đạt chuẩn. Chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ của các cơ sở lưu trú còn hạn chế, ngay cả với các khách sạn 2-3 sao; sự đa dạng về ẩm thực còn thấp; độ tinh xảo về chế biến ẩm thực truyền thống chưa cao. Thêm vào đó, các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan chưa đáp ứng được nhu cầu để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, đặc biệt là các hoạt động về đêm; dịch vụ hỗ trợ và các hoạt động phụ trợ khác như hệ thống thanh toán, chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. 

Các nội dung mà tỉnh Bình Phước sẽ triển khai sau Hội nghị liên kết phát triển DL vùng tại tỉnh Tây Ninh mới đây là gì?

Trên cơ sở các nội dung về thỏa thuận hợp tác phát triển DL vùng Đông Nam bộ vừa được ký kết, thời gian tới, Bình Phước sẽ tích cực triển khai bằng nhiều giải pháp đồng bộ, như: Tiếp tục đề xuất Trung ương và chủ động phối hợp các tỉnh, thành triển khai xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng, tạo “cú hích” đồng bộ trong liên kết phát triển DL vùng Đông Nam bộ; tập trung hoàn thiện các sản phẩm DL hiện có, trong đó chú trọng xây dựng một số sản phẩm chính cho chuỗi DL của cả vùng, ưu tiên cao trong hình thành đa dạng các sản phẩm DL đặc trưng của tỉnh; đẩy mạnh khai thác tuyến DL quốc tế từ TPHCM - Bình Dương - Bình Phước đi Campuchia, Lào và Thái Lan trên hành trình xuyên Á, qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; thực hiện xã hội hóa tối đa để huy động các nguồn lực, khuyến khích đầu tư phát triển DL. Bình Phước xác định xã hội hóa là nguồn lực then chốt để phát triển DL; liên kết thực chất, hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng về DL nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng nói chung.

Theo đồng chí, làm thế nào để huy động người dân cùng tham gia làm DL cộng đồng theo hướng bền vững?

Bình Phước là một tỉnh có 41 dân tộc cùng sinh sống, có sự đa dạng về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán. Đây là tiềm năng cốt lõi để tỉnh quan tâm phát triển loại hình DL cộng đồng trong thời gian tới. Để huy động người dân cùng tham gia làm DL cộng đồng theo hướng bền vững, cần phải tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân về DL cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ về hiệu quả kinh tế, việc giữ gìn, quảng bá văn hóa dân tộc của mình. Nhà nước phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực cho người dân trong sản xuất, hình thành các sản phẩm DL, trước tiên phải đảm bảo mức thu nhập đáp ứng cuộc sống tối thiểu của người dân. Đây là vấn đề then chốt trong việc huy động người dân cùng tham gia làm DL cộng đồng. Tiếp đó, cần tổ chức quy hoạch đồng bộ chuỗi các giá trị của sản phẩm DL từ khâu nguyên liệu, sản xuất cho đến khâu tiêu thụ, tiếp tục khuyến khích các cơ sở kinh doanh DL tích cực tham gia vào chuỗi tiêu thụ các sản phẩm DL do cộng đồng dân cư ở địa phương sản xuất.

Tin cùng chuyên mục