Xã hội hóa đầu tư công trình vệ sinh công cộng

Thống kê cho thấy, hiện nay mạng lưới nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn TPHCM chưa đạt chuẩn, số lượng chưa đủ và bố trí không phù hợp.
Xã hội hóa đầu tư công trình vệ sinh công cộng

Cụ thể, hiện có 208 NVSCC có thu phí; trong đó, 155 NVSCC tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Để đảm bảo mỹ quan đô thị xanh, sạch và hướng đến thu hút khách du lịch, việc đầu tư NVSCC và thùng rác công cộng cần phải được triển khai cấp bách, đồng bộ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, để lắp đặt NVSCC đảm bảo vệ sinh môi trường, văn minh, sở đã tham mưu UBND TP chỉ đạo UBND 24 quận, huyện chủ động xác định nhu cầu, vị trí lắp đặt để kêu gọi đầu tư thùng rác công cộng, phục vụ nhu cầu của địa phương với nhiều phương thức khác nhau (như kết hợp quảng cáo, thu phí, đổi đất lấy công trình…) để làm cơ sở đầu tư theo nhu cầu của từng quận, huyện.

Đến nay, đã có 4 nhà đầu tư (Công ty cổ phần Thương mại và truyền thông Vinasing, Công ty cổ phần Công nghệ môi trường Tiên Phong, Công ty TNHH Mister Loo, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ và môi trường Kim Hoàng Hiệp) đang triển khai thí điểm lắp đặt NVSCC.

Hiện thành phố đang tiếp tục kêu gọi đầu tư NVSCC bằng nguồn vốn xã hội hóa để tổ chức thí điểm, đánh giá, thẩm định và lựa chọn các mẫu nhà vệ sinh đảm bảo phù hợp đặc điểm của từng khu vực trên địa bàn thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn để làm cơ sở cho các chủ đầu tư thuận lợi trong việc xây dựng và thực hiện phương án đầu tư; đang xây dựng quy định quản lý nhà vệ sinh.

Trong khi đó, với việc kêu gọi đầu tư các thùng rác công cộng, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng đã phối hợp với UBND các quận, huyện điều tra, khảo sát hiện trạng, đánh giá nhu cầu và xây dựng mạng lưới thùng rác công cộng trên địa bàn, làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư và nghiên cứu xây dựng phương án thực hiện đầu tư thùng rác công cộng trên toàn địa bàn thành phố theo hình thức xã hội hóa.

Thời gian qua, sở cũng đã kêu gọi, hỗ trợ được 1.200 thùng rác công cộng bằng nguồn vốn xã hội hóa cho các quận 1, 3, 4, 12 nhằm tăng cường chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND TPHCM tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ quận, huyện các mẫu thùng rác công cộng để phục vụ Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Có thể thấy rằng, việc đầu tư đồng bộ hệ thống các công trình vệ sinh công cộng sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, văn minh cho người dân thành phố cũng như khách quốc tế. Thêm vào đó, khi xây dựng dữ liệu cho bản đồ số về du lịch của thành phố, phải đưa thông tin các công trình vệ sinh công cộng vào và tuyên truyền để người dân, du khách biết để sử dụng.

Tin cùng chuyên mục