WHO trấn an người dân về tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) gây ra, ngày 31-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã trấn an người dân toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS

Các nước ủng hộ

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tổ chức này không khuyến cáo hạn chế đi lại hay giao thương với Trung Quốc. Điều này sẽ củng cố thêm sự hợp tác quốc tế trong nỗ lực chống lại kẻ thù của sức khỏe toàn cầu.

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng ủng hộ chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc chống lại sự bùng phát nCoV. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cho biết Mỹ sẽ cử một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đến Trung Quốc để làm việc với WHO và chính phủ Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp nhận hàng cứu trợ y tế tại sân bay Vũ Hán

Trong một cuộc họp báo ngày 30-1, Ủy viên châu Âu về Quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể cử các đội y tế khẩn cấp đến Trung Quốc hoặc cung cấp thiết bị bảo vệ. Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết Chính phủ Australia kiên quyết ủng hộ chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc chống lại nCoV. Australia sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và cung cấp hỗ trợ cần thiết trong cuộc chiến chống lại virus. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát ổ dịch. Nam Phi cũng cho biết đang “hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế và đặc biệt là với các quan chức Trung Quốc thông qua WHO”.

Tính đến 23 giờ ngày 31-1, trên toàn thế giới đã có gần 10.000 ca nhiễm bệnh ở 22 quốc gia. Riêng Trung Quốc, nCoV đã làm 213 người tử vong.


Các công ty đa quốc gia lớn ở Mỹ và châu Âu, trong đó có Microsoft, Dell, L’Oreal và Cargill đã quyên góp khoảng 1,4 triệu USD cho Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc và chính quyền ở tỉnh Hồ Bắc để chiến đấu với dịch bệnh. Quỹ Bill & Melinda Gates công bố cam kết giúp 10 triệu USD dập dịch nCoV ở Trung Quốc và các dịch bệnh khác tại châu Phi, bao gồm 5 triệu USD cho hợp tác quốc tế, điều trị và phát triển vaccine. Thái Lan vận động quyên góp thiết bị y tế trị giá khoảng 29.000USD, đang trên đường đến Trung Quốc. Hãng Boeing sẽ tặng 250.000 mặt nạ hô hấp y tế cho các quan chức y tế Trung Quốc.

Tỉnh Oita của Nhật Bản đã gửi 30.000 khẩu trang để cứu trợ trong các hộp với thông điệp “Vũ Hán cố lên!”. Chính phủ Malaysia sẽ gửi 18 triệu găng tay y tế cho các nhân viên y tế ở TP Vũ Hán.

Tiếp tục có nhiều biện pháp

Triều Tiên đóng cửa mọi tuyến đường sắt và hàng không đi qua biên giới với Trung Quốc từ ngày 31-1. Triều Tiên cũng quyết định cách ly toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh từ Trung Quốc trong vòng 1 tháng nhằm tránh nguy cơ lây lan căn bệnh chết người này trong lãnh thổ nước mình.

Cùng ngày, Nhật Bản nâng cảnh báo đi lại đến Trung Quốc lên mức 2 trong thang cảnh báo 4 bậc, khuyến cáo công dân “tránh các chuyến đi không cần thiết”, riêng khuyến cáo đối với tỉnh Hồ Bắc được đặt ở mức 3, đồng nghĩa với “tránh hoàn toàn đi lại”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này sẽ sớm ban hành các quy định mới nhằm hạn chế phạm vi lây lan của nCoV. Tokyo vừa quyết định coi chủng virus mới này là “dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt”, bắt buộc những ai bị lây nhiễm phải nhập viện và cho phép các cơ quan quản lý di trú có quyền ngăn chặn những người nhiễm hoặc có nguy cơ mang chủng virus này nhập cảnh vào Nhật Bản. 

Cơ quan y tế Mexico đã công bố các biện pháp phòng chống nCoV ngay sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng virus gây chết người này. Bộ Y tế Mexico thông báo 2 ca nghi nhiễm virus nCoV.

Trong khi đó, từ ngày 31-1, Hàn Quốc bắt đầu áp dụng phương pháp kiểm tra mới để giúp các cơ quan y tế trong nước đẩy nhanh tốc độ kiểm tra và nâng cao tính hiệu quả trong đối phó với sự lây lan của nCoV. Ngày 31-1, Hàn Quốc công bố thêm 4 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 11 người. Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), bệnh nhân thứ 8 nhiễm nCoV là một phụ nữ Hàn Quốc 62 tuổi, từng tới tâm dịch TP Vũ Hán, và mới trở về Hàn Quốc hôm 23-1. Thông tin của 3 bệnh nhân còn lại vẫn đang được xác minh và sẽ sớm được công bố.

Các chuyên gia tại TP Vô Tích, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc đã phát triển thành công một bộ dụng cụ thử acid nucleic để phát hiện nhanh virus Corona chủng mới (nCoV). Theo Phòng Khoa học và Công nghệ của TP Vô Tích, bộ dụng cụ thử mới có hiệu quả cao phát hiện virus, cho kết quả trong vòng 8 đến 15 phút, dễ sử dụng và vận chuyển. Hiện giới chức Trung Quốc đã cấp phép sản xuất hàng loạt bộ dụng cụ thử này. Công ty sản xuất cho biết có thể làm ra các bộ dụng cụ để sử dụng cho khoảng 4.000 người/ngày.

Tin cùng chuyên mục