WHO nhân rộng công nghệ mRNA

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thành lập một trung tâm đào tạo toàn cầu để giúp các nước nghèo chế tạo vaccine, kháng thể và thuốc điều trị ung thư bằng công nghệ mRNA - vốn được sử dụng thành công để sản xuất vaccine Covid-19.

Tại một cuộc họp báo ở Geneva gần đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin, trung tâm mới sẽ đặt ở Hàn Quốc và sẽ chia sẻ công nghệ mRNA do WHO cùng các đối tác ở Nam Phi phát triển. Đầu năm nay, Công ty Afrigen Biologics & Vaccines ở Cape Town, Nam Phi, đối tác của WHO, tái tạo vaccine Covid-19 công nghệ mRNA tương tự vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech nhưng dễ sản xuất hơn.

Công ty Afrigen Biologics & Vaccines của Nam Phi nghiên cứu vaccine công nghệ mRNA
Theo AP, ông Tedros cho biết: “Vaccine đã giúp thế giới đương đầu tốt hơn với đại dịch Covid-19 nhưng thành tựu khoa học này (mRNA) không được chia sẻ rộng rãi, tạo nên sự bất bình đẳng lớn trong việc tiếp cận các phương pháp cứu sống nhân loại”. WHO đang rất lo ngại sự chênh lệch toàn cầu về khả năng tiếp cận vaccine Covid-19. Châu Phi hiện chỉ sản xuất 1% lượng vaccine Covid-19 trên thế giới, và chỉ khoảng 11% dân số được tiêm phòng. Ngược lại, một quốc gia châu Âu như Bồ Đào Nha đã có 84% dân số được tiêm phòng đầy đủ và hơn 59% người dân đã được tiêm phòng nhắc lại.

Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA toàn cầu đầu tiên do WHO thành lập nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sản xuất vaccine của riêng họ, đảm bảo tất cả quy trình vận hành cần thiết và bí quyết sản xuất vaccine mRNA ở quy mô lớn và theo tiêu chuẩn quốc tế. Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các nước Bỉ, Đức, Pháp ủng hộ nỗ lực của WHO, đã hỗ trợ và đầu tư lớn cho trung tâm này. Được thành lập chủ yếu để giải quyết tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19, trung tâm có tiềm năng mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm khác, đưa các quốc gia vào vị trí sẵn sàng về vaccine và các dược phẩm khác mà họ cần. WHO cùng các đối tác sẽ làm việc với các quốc gia hưởng lợi nhằm xây dựng lộ trình và tổ chức đào tạo, hỗ trợ cần thiết để có thể bắt đầu sản xuất vaccine càng sớm càng tốt. 

Trước mắt, 6 quốc gia châu Phi gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tunisia sẽ nhận được kiến thức và bí quyết công nghệ để sản xuất vaccine mRNA Covid-19. Cũng theo WHO, sắp tới có thêm 5 quốc gia sẽ nhận được chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine mRNA của WHO là Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia, Việt Nam. Ông Zain Rizvi, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu tiêu dùng Public Citizen (trụ sở tại Mỹ), hoan nghênh thông tin này, cho rằng nỗ lực của WHO sẽ giải quyết nhu cầu lớn trên toàn cầu về vaccine mRNA, loại vaccine đã được chứng minh là hiệu quả nhất trong việc kiềm chế dịch Covid-19. Ông Rizvi kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tạo áp lực khiến các công ty dược phẩm Mỹ chia sẻ công thức và bí quyết sản xuất vaccine Covid-19 nhằm đẩy nhanh tiến trình lan tỏa công nghệ mRNA tại nhiều nước.

Đây là lần đầu tiên WHO tự thân hỗ trợ những nỗ lực như vậy để phát triển một loại vaccine có công nghệ tương tự được bán trên thị trường. Công nghệ mRNA không chỉ tạo ra vaccine Covid-19 mà còn hữu ích trong việc tạo ra kháng thể, insulin và phương pháp điều trị các bệnh như sốt rét, ung thư. Cho tới nay, cả Moderna và Pfizer-BioNTech, 2 công ty sản xuất 2 loại vaccine mRNA Covid-19, từ chối chia sẻ công thức hoặc bí quyết công nghệ của họ với WHO và các đối tác.

Tin cùng chuyên mục