WHO mong Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch

Ngày 28-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) về công tác phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ về công tác phòng chống dịch. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ về công tác phòng chống dịch. Ảnh: TTXVN

Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại, ngày 22-1-2020, Việt Nam đã có cuộc họp để tham khảo ý kiến góp ý của WHO và CDC, qua đó ra quyết định triển khai khai báo y tế đối với những người đến từ vùng có dịch, cao hơn khuyến nghị của WHO. Việt Nam xác định, phòng chống dịch Covid-19 là công việc mang tính toàn cầu, làm tốt ở Việt Nam là đóng góp với thế giới. Đến thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới, Việt Nam cũng đã dự tính một số biện pháp mới nên muốn tham khảo ý kiến của WHO, CDC trước khi quyết định. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã trao đổi thêm một số kinh nghiệm của Việt Nam trong việc huy động, tổ chức các lực lượng phòng chống dịch bệnh; phân tuyến cách ly, tổ chức điều trị… “Tinh thần của Việt Nam là luôn sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất để tình huống xấu không xảy ra”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Nhân viên một cơ sở y tế ở quận 7, TPHCM kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khách hàng khai báo thông tin trước khi bước vào khu công cộng để khám chữa bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện WHO và CDC đều đánh giá cao công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã phòng chống dịch bệnh với quyết tâm rất cao, các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đại diện WHO cho rằng, việc kiểm soát Covid-19 lây lan trên toàn cầu là vô cùng khó khăn, đồng thời bày tỏ, cộng đồng quốc tế cũng mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh. Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ thêm, WHO đã khuyến cáo các nước cần làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó tình trạng Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng. Việt Nam đã chuẩn bị tốt công tác này, các kịch bản ứng phó với mọi tình huống đã đặt sẵn ở trên bàn, nhưng vẫn cần tiếp tục phải rà soát lại bởi khả năng này đang tới gần. WHO đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp mạnh của Chính phủ Việt Nam trong 2 tháng qua. Việt Nam đã chia sẻ thông tin một cách minh bạch, đặc biệt là công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị, để phối hợp cùng với các nước trong phòng chống dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với đại diện WHO và CDC. Ảnh: TTXVN

Ông Mathew Moore, đại diện CDC nhìn nhận, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh, rất kiên quyết, hiệu quả. Với sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương nên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ mới có 16 ca nhiễm Covid-19 và đều đã được chữa khỏi. Kết quả này góp phần vào công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh của thế giới. CDC tự hào đã đồng hành với Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu. Đại diện CDC bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 với cộng đồng quốc tế; chia sẻ thông tin về bản đồ gene của virus gây bệnh ở Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro; đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, CDC đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng. Đại diện CDC cho biết, đang lên kế hoạch thăm Việt Nam vào nửa cuối tháng 3-2020 để tăng cường các hoạt động hợp tác y tế giữa hai nước và thúc đẩy việc thành lập Văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam.

Ngày 28-2, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế quận, huyện; phòng y tế quận, huyện; phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP về việc tiếp tục triển khai công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tham gia triển khai khu cách ly, điều trị tập trung của TP. Cụ thể: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (cách ly và điều trị cho người lớn và trẻ em), Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP (cách ly và điều trị cho trẻ em). 

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đến chiều tối 28-2 tại TPHCM đã có 220 trường hợp đang được cách ly ở Bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi), tăng thêm 49 trường hợp so với 27-2. Phần lớn là người Hàn Quốc hoặc đi qua khu vực TP Daegu và khu Bắc Gyeongsang. Hiện Trung tâm cũng mới ghi nhận một trường hợp người phụ nữ tên N.T.D. (19 tuổi, quê Đắk Lắk, tạm trú tại một chung cư trên đường Tạ Quang Bửu) hành nghề massage trên địa bàn quận 1, từng tiếp xúc với người Hàn Quốc sau đó phát bệnh sốt, ho và đang được cách ly tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. Người bạn ở chung với chị D. là N.T.T.N. (24 tuổi) cũng đang được cách ly, theo dõi tại nhà. Chung cư chị D. tạm trú hiện cũng đã tiến hành vệ sinh, phun thuốc để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng cư dân.

Tin cùng chuyên mục