Vượt qua nỗi đau tai nạn lao động

Trung bình mỗi ngày trên cả nước, tai nạn lao động (TNLĐ) cướp đi sinh mạng của 3 người và đe dọa sức khỏe của 5 người. Trên thực tế, TNLĐ đã khiến hàng trăm ngàn gia đình lâm vào cảnh éo le, khốn khó bởi di chứng để lại. Trong nỗi đau ấy, nhiều người đã cố gắng vươn lên để tiếp tục công việc, sống bằng những việc làm có ích. 

Vươn lên bằng ý chí

Nhớ lại vụ tai nạn trong khi đang làm việc vào 4 năm trước, anh Nguyễn Anh Khoa, kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH Xi măng Holcim (nay là Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam) còn hãi hùng. Hôm ấy, khi đang đứng trao đổi cùng công nhân, anh bị cuốn vào dải băng đang chuyền xi măng. “Tôi tỉnh dậy trong Bệnh viện Chợ Rẫy với nửa thân dưới không thể động đậy. Khi ấy, tôi nghĩ mình đã trở thành người tàn phế”, anh Khoa nhớ lại. 

Gần 5 tháng miệt mài điều trị, tập vật lý trị liệu, anh Khoa xuất viện với chiếc nạng trong tay. Là lao động chính trong gia đình, giờ nằm một chỗ, anh Khoa bức bối, hoảng loạn. Được sự động viên của gia đình và sự cố gắng của bản thân, anh kiên trì tập vật lý trị liệu. Một năm sau, sức khỏe anh hồi phục. “Ban đầu, tôi được công ty cũ nhận về làm việc ở bộ phận hành chính. Thêm một năm sau, khi thấy sức khỏe tôi hoàn toàn bình phục, lãnh đạo công ty đồng ý để tôi quay lại vị trí kỹ sư ngày nào”, anh Khoa cho biết. 

Vượt qua nỗi đau tai nạn lao động ảnh 1 Vượt qua thương tật, anh Phan Văn Ngãi sống bằng những việc làm có ích. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Không được may mắn như anh Khoa, sau tai nạn ngã từ lầu 5 xuống đất, anh Phan Văn Ngãi (từng là công nhân Công ty cổ phần Tâm Hồng Châu; hiện ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) bị gãy cột sống, bể xương chậu và mang thương tật tỷ lệ 74%. Nhìn chồng đang phụ cắt chỉ sản phẩm, chị Lương Kim Thảo, vợ anh Ngãi, chia sẻ: “Anh ấy sống được đã là một kỳ tích”. 8 năm trước, khi được đưa vào viện sau tai nạn, ai cũng bảo sợ anh ấy không qua khỏi cửa tử. Nay dù sức khỏe chỉ còn 26%, nhưng anh Ngãi vẫn tiếp tục lao động. Hàng ngày, anh phụ mấy người bạn sửa máy lạnh. Lúc rảnh, anh lại ngồi vào bàn may tại nhà để phụ vợ may hàng gia công. 

Trước đây, khi sức khỏe chưa ổn định, nghĩ mình là gánh nặng cho vợ con, anh Ngãi suy sụp tinh thần và đã nghĩ đến cái chết. Nhưng bằng nghị lực bản thân cùng sự đồng hành của vợ con, anh bắt đầu tập luyện và điều trị bằng mọi phương pháp đông tây y kết hợp.

“Nếu ngày đó tôi bỏ cuộc thì hôm nay đã là gánh nặng cho gia đình. Ban đầu nghĩ luyện tập để tự chăm sóc mình, không làm phiền vợ. Rồi sau đó thấy sức khỏe ổn thì tôi làm việc nhẹ để kiếm thu nhập. Giờ dù cuộc sống còn khó khăn nhưng cả nhà được ở bên nhau thế này là hạnh phúc lớn”, anh Ngãi bày tỏ. 

Trong Tháng công nhân năm nay, LĐLĐ TPHCM hỗ trợ khoảng 300 trường hợp bị TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 51% trở lên, mỗi trường hợp 1 triệu đồng. Ngoài ra, công đoàn cấp trên cơ sở cũng thăm và tặng quà 400 trường hợp có tỷ lệ thương tật từ 31%-50%, mỗi phần quà thấp nhất 500.000 đồng. Riêng những trường hợp bị TNLĐ nặng, hoàn cảnh khó khăn, LĐLĐ TP trao tặng sổ tiết kiệm 10 triệu đồng. 

Lan tỏa kiến thức an toàn lao động

Trong số 8.150 vụ TNLĐ trên toàn quốc xảy ra trong năm 2019, riêng TPHCM xảy ra 835 vụ với 856 người bị nạn. TNLĐ chủ yếu xảy ra tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày dép (331 vụ); sản xuất, gia công kim loại (114 vụ); xây dựng (75 vụ). Trong đó, số nạn nhân tử vong do TNLĐ xảy ra nhiều nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. 

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, ngoài các nguyên nhân gây TNLĐ như người lao động vi phạm nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân thì còn do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ an toàn lao động cho người lao động; tổ chức lao động và điều kiện lao động không thuận lợi; thiết bị không đảm bảo an toàn… Trước thực tế đó, năm nay, Sở LĐTB-XH TPHCM tập trung hướng dẫn các quận huyện, sở ngành, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.  

Bên cạnh đó, sở cũng đã phối hợp với các quận huyện tổ chức 12 lớp tập huấn, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho 609 người lao động. “Mong muốn của sở là kiến thức về an toàn lao động được lan tỏa khắp các công trình, cơ sở sản xuất để người lao động tự bảo vệ bản thân, người sử dụng lao động nhận biết nguy cơ và tạo điều kiện tốt nhất để người lao động làm việc. Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục tổ chức tập huấn miễn phí người sử dụng lao động và tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng mô hình hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động; tập huấn cho cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động và cho người lao động về lao động an toàn”, đại diện Sở LĐTB-XH cho biết.

Để xoa dịu nỗi đau của nạn nhân bị TNLĐ, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, tham gia giám sát việc thực hiện quy định về an toàn trong lao động, các cấp công đoàn thành phố còn tổ chức những chương trình chăm lo ý nghĩa đối với công nhân không may bị TNLĐ, hoàn cảnh khó khăn. Thông qua hoạt động chăm lo, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM hy vọng chia sẻ phần nào khó khăn, mất mát của người lao động và gia đình họ, giúp người bị tai nạn vượt qua nỗi đau và tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục