Vượt qua đại dịch - Bài 3: Chủ động chuyển từ “xám” qua “xanh”

Hơn 100.000 doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường khi “bão Covid-19” hoành hành từ tháng 5 đến tháng 10-2021. Thế nhưng, chiều ngược lại, đã có nhiều doanh nghiệp bứt phá ngoạn mục khi đạt tăng trưởng ở mức 2 con số. Nói về nghịch lý này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh Võ Trí Thành đã có những lý giải...

PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận thế nào khi khá nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động tốt, gặt hái thành công, mặc dù dịch Covid-19 đã tác động rất nặng nề?

Ông VÕ TRÍ THÀNH: Có thể nói, rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong đợt dịch Covid-19, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như chuyển đổi số, xanh hóa sản xuất, phát triển bền vững, năng lực quản trị, công nghệ sản xuất, rủi ro tài chính, nguồn nguyên liệu sản xuất, năng lực cung ứng logictics… Không chỉ những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, mà còn có nhiều doanh nghiệp quy mô sản xuất vừa và nhỏ vượt qua được. Điểm chung của các doanh nghiệp này là có năng lực quản trị doanh nghiệp rất tốt. Họ đã có ứng dụng chuyển đổi số nhanh, kịp thời.

Thi công một dự án nhà ở tại phường Phú Hữu (thành phố Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nghệ sản xuất hiện đại cũng đã giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn với điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, thực hiện an toàn phòng chống dịch bệnh trong đội ngũ lao động. Đặc biệt, với những doanh nghiệp chủ động gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã hạn chế được những rủi ro về đứt gãy nguồn nguyên liệu sản xuất, mất thị phần… Ở những doanh nghiệp này, chúng ta còn chứng kiến sự linh hoạt khi thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển đổi giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Điều này đã tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ của doanh nghiệp.

Ngược lại, những doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt, hoặc chậm thực hiện chuyển đổi số, thâm dụng lao động… thì gặp khó. Thậm chí các doanh nghiệp này phải dừng hoạt động không chỉ trong năm 2021 mà theo xu hướng hiện nay cũng sẽ khó tồn tại trong bối cảnh kinh doanh, sản xuất đã có nhiều thay đổi.

Doanh nghiệp cần có những giải pháp gì để thích ứng với bối cảnh mới hiện nay, thưa ông?

- Để bắt nhịp xu hướng bình thường mới, doanh nghiệp cũng cần phải chủ động thực hiện “xanh” và “số hóa” sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số trong quản trị, sản xuất và mở rộng thị trường được coi là yếu tố bắt buộc sống còn. Chính phủ cho phép thay đổi từ “Zero Covid” sang “Thích ứng với Covid” nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Muốn làm được vậy, phải giảm thâm dụng lao động, tăng ứng dụng số hóa trong sản xuất, quản trị. Mặt khác, “số hóa” còn giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí nhằm tăng năng lực cạnh tranh, đủ năng lực để gia nhập nền tảng thương mại điện tử và mở rộng thị phần nội địa và xuất khẩu.

Ở góc độ “xanh hóa”, cần phải thấy rằng, đây là những yếu tố rào cản kỹ thuật bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn vươn mình ra thị trường thế giới. “Xanh hóa” không dừng lại ở vấn đề an toàn, chất lượng sản phẩm mà còn phải tiết giảm chất thải phát sinh, tăng khả năng tái chế chất thải, ưu tiên sử dụng sản phẩm, nguyên liệu thân thiện môi trường ngay từ khâu sản xuất trong nhà máy.

Một yếu tố quan trọng khác, doanh nghiệp Việt có hàng hóa đa dạng, chất lượng tốt nhưng vì thiếu đầu tư chế biến sâu và đầu tư thương hiệu nên chưa đảm bảo vị thế ổn định trên thị trường toàn cầu. Do vậy, ngoài những yếu tố cải thiện quy trình, công nghệ sản xuất, năng lực quản trị, đa dạng thị phần, thì cần quan tâm hơn đến vai trò thương hiệu và sự kết nối. Đảm bảo chất lượng sản phẩm, uy tín về thương hiệu là những bảo chứng chắc chắn nhất cho doanh nghiệp không những tại thị trường trong nước mà còn cả thị trường toàn cầu.

Thực hiện được đồng bộ những giải pháp trên, doanh nghiệp sẽ chuyển “xám” thành “xanh” và phát triển bền vững trong tương lai.

Ông dự báo “bức tranh” phát triển kinh tế của năm 2022 sẽ như thế nào khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp?

- Nhìn chung, trong năm 2022, kinh tế sẽ còn nhiều “màu xám”, nhưng bên cạnh đó, đã bắt đầu hình thành những điểm sáng tích cực. Thể hiện rõ nhất là đà tăng trưởng kinh tế của thế giới đã bắt đầu phục hồi. Riêng tại Việt Nam, những giải pháp “Thích ứng với đại dịch Covid-19” được Chính phủ ban hành thời gian qua đã giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp phục hồi.

Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lên đến 350.000 tỷ đồng. Đây được xem là cú hích rất lớn và là động lực để kinh tế Việt Nam hồi phục và tăng tốc. Có thể nói, sự đồng hành của Chính phủ, Quốc hội cộng với sự chuyển đổi chủ động, thích ứng sản xuất trong đại dịch của cộng đồng doanh nghiệp sẽ giúp nền kinh tế quay lại đà tăng trưởng tốt hơn trong năm 2022.

Theo ông Võ Trí Thành, gần nhất có thể thấy, TPHCM đã trao chứng nhận “Thương hiệu vàng TPHCM năm 2021” cho 30 doanh nghiệp đã vượt “bão Covid-19” một cách ngoạn mục. Đây cũng là những doanh nghiệp ngoài nỗ lực vượt khó thành công, còn có nhiều chia sẻ, đồng cam cộng khổ cùng chính quyền thành phố nói riêng và cộng đồng người dân nói chung.

Tin cùng chuyên mục