Vượt qua đại dịch - Bài 2: Nâng cao nội lực

Khi chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy, sự xốc vác, “không ngại dịch” đã mang đến kết quả tích cực cho doanh nghiệp.

Bảo đảm cung ứng thực phẩm

“Sáu tháng cao điểm bùng phát dịch bệnh năm 2021 là thời điểm chúng tôi gặp vô vàn khó khăn”, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, nhớ lại. Khó khăn xuất hiện ngay tức thì: đứt gãy nguồn cung cấp nguyên liệu từ các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ; nhiều tỉnh thành thắt chặt kiểm soát với người đến và đi từ TPHCM, khiến các chuyến xe chở nguyên liệu gần như tê liệt…

Đối mặt với thực tế ấy, việc đầu tiên lãnh đạo Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn xác định là nâng cao năng lực quản trị, ổn định tinh thần làm việc của cán bộ, công nhân viên, thiết lập chế độ làm việc “3 tại chỗ” an toàn cho công nhân.

“Việc đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh được xem là bệ đỡ để vượt qua khó khăn. Do đó, ban lãnh đạo đã phát động phong trào tự nguyện đăng ký tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, và may mắn nhận được sự đồng thuận ủng hộ của người lao động”, ông Trương Tiến Dũng tâm sự.

Sau khi ổn định sản xuất, Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn lập tức kiến nghị Hiệp hội Chế biến lương thực thực phẩm TPHCM, UBND TPHCM kịp thời tháo gỡ những khó khăn, nhất là tình trạng tắc nghẽn xe chở nguyên liệu sản xuất. Nhờ vậy mà những chuyến xe chở nguyên liệu dù có chậm nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung, kịp thời đưa hàng hóa đến tận nhà dân trong lúc dịch bệnh hoành hành. Tiếp đó, công ty đàm phán giảm, giãn lượng hàng cung ứng cho đối tác xuất khẩu và tăng nguồn cung cho thị trường nội địa, nhất là thị trường TPHCM.

Với sự nỗ lực vượt qua đại dịch, Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn duy trì tăng trưởng hoạt động sản xuất, được UBND TPHCM công nhận là “Thương hiệu Vàng TPHCM năm 2021”.

Sự thích nghi của “gã khổng lồ”

Khó khăn từ đại dịch không chừa một ai. Vinamilk - “gã khổng lồ” của ngành sữa Việt Nam cũng vậy. Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Điều hành tài chính Vinamilk, chia sẻ, trong đại dịch, buộc doanh nghiệp phải linh động, thay vì từ kế hoạch 6 tháng đến 1 năm, lập tức chuyển thành kế hoạch dưới 3 tháng. Công ty phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên cập nhật tình hình thị trường nhằm đưa ra những quyết định kịp thời.

Ví dụ, thời gian đầu của dịch Covid-19, doanh nghiệp luôn phải tìm cách giảm hàng tồn kho để tối ưu hóa dòng tiền. Nhưng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh và lan rộng, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, nguồn cung nguyên vật liệu khan hiếm, Vinamilk điều chỉnh gia tăng hàng tồn kho để kịp thời cung cấp cho các hoạt động sản xuất.

Vượt qua đại dịch - Bài 2: Nâng cao nội lực ảnh 1 Vinamilk thay đổi để thích ứng “chuyển từ offline sang online”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cùng với đó, tác động mạnh nhất của Covid-19 buộc phải thay đổi là “chuyển từ offline sang online”. Đây cũng chính là lúc công nghệ phát huy được tính ưu việt trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt. Các nhà máy và trang trại Vinamilk áp dụng triệt để tự động hóa và công nghệ 4.0, đảm bảo quản lý từ xa và có tính hệ thống.

Chuỗi cung ứng của Vinamilk hoạt động hoàn toàn dựa vào hệ thống công nghệ thông tin, kết nối từ đầu vào thu mua nguyên vật liệu, cho đến đầu ra là sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trang bị các công cụ, phần mềm hỗ trợ giao tiếp và làm việc dựa trên các nền tảng công nghệ: e-Office, hệ thống trình duyệt online, ứng dụng tương tác nội bộ, giải pháp giúp nhân viên truy cập dữ liệu công ty tại nhà và chữ ký số…

Và điều quan trọng nhất trong đại dịch là vấn đề bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động để duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, sản xuất. Vinamilk thành lập Ban Hỗ trợ chuyên môn phòng chống Covid-19, tuyên truyền, hướng dẫn người lao động tuân thủ và thực hành quy định phòng chống dịch, thường trực online 24/7 để hỗ trợ các vấn đề liên quan đến dịch bệnh.

Công ty cũng cung cấp cho nhân viên các phương tiện phòng dịch, sản phẩm dinh dưỡng tăng cường đề kháng. Mặt khác, giúp người lao động yên tâm làm việc bằng cách duy trì chính sách chi trả lương và phúc lợi đầy đủ; hỗ trợ tăng cường về điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với các đơn vị “3 tại chỗ”; chủ động hỗ trợ người lao động toàn công ty trong xét nghiệm, chích vaccine phòng Covid-19.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco):

Chủ động nguyên liệu trong nước

Từ đại dịch vừa qua cho thấy, để doanh nghiệp có thể duy trì ổn định sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến sản xuất thì Chính phủ cần hỗ trợ thu hút và đầu tư ngành sản xuất nguyên liệu.

Việc chủ động nguyên liệu trong nước sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhờ chủ động nguồn, giảm chi phí logictics và đứt nguồn cung gây gián đoạn sản xuất. Đặc biệt, tại TPHCM - một trong những tỉnh thành tập trung phần lớn doanh nghiệp trong nước và 1.500 doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối, cần sớm hình thành trung tâm nguyên liệu dành cho ngành cơ khí chế tạo.

Trung tâm này ra đời sẽ giúp doanh nghiệp chia sẻ nguồn nguyên liệu, tránh tình trạng doanh nghiệp này cần, nhưng doanh nghiệp khác thừa; giảm gánh nặng vốn lưu động nhờ giảm tỷ lệ nguyên liệu tồn kho. Đồng thời, doanh nghiệp còn có thể chia sẻ sử dụng công nghệ phục vụ trong ngành cơ khí chế tạo. 

Tin cùng chuyên mục