Vượt qua bất an

Khi quen dần cuộc sống giữa những bức tường, bên máy vi tính, điện thoại… trong suốt nhiều tháng giãn cách, đã có không ít bạn trẻ căng thẳng, bất an, lo ngại khi quay lại nhịp sống đời thường trước đây.  Nỗi sợ đám đông, lo lắng quá mức so với tình trạng thực tế, khiến họ co mình trong các tình huống giao tiếp xã hội…

Ngại ra đường đến mức, từ đầu tháng 10 đến nay, Huỳnh Tấn Kiệt (31 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin một công ty nước ngoài, ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú) chỉ bước chân ra khỏi nhà không quá 3 lần. Tấn Kiệt cho biết, chỉ ra đường về nhà thăm ba mẹ 1 lần, đến công ty giải quyết một số giấy tờ, còn phần lớn thời gian là ở căn hộ chung cư riêng.

Bà con, hàng xóm quanh nhà gần như không hay biết thông tin về Kiệt. “Bữa đầu chạy xe về quận 10 thăm ba mẹ, thấy người ngoài đường chạy đông quá tôi gần như sốc. Cảm giác sợ hãi, bất an xâm chiếm. Tới cổng nhà ba mẹ, có hàng xóm hỏi thăm mà tôi lơ luôn, đâu dám đứng lại. Lỡ xui xui dính virus chắc chết”, Tấn Kiệt không ngại kể. 

Không ít bạn trẻ thì đắm đuối trong công nghệ, trong các phim bộ, game online… Với họ, bước ra không gian công cộng, quay trở lại công ty, tiếp xúc mọi người là việc không đơn giản. Bên cạnh bất an về dịch Covid-19, họ còn mất dần những kết nối xã hội, không muốn chia sẻ với mọi người về cuộc sống cá nhân. 

Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, đối với một số người trẻ, việc có thể tận dụng sự phát triển của công nghệ kèm với các hiệu ứng của việc cách ly thời gian dài đã làm thay đổi về nhận thức, công việc và cuộc sống so với trước đây. Họ cho rằng, có thể ngồi tại nhà nhưng vẫn giao tiếp, làm việc, kiếm tiền khi chỉ cần bật chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet. “Buộc phải trở nên phi xã hội, ít nhất về mặt vật lý, trong gần nửa năm nay khiến một số người trẻ đã quen với việc sống ở nhà, nhận thấy rằng, bất kỳ tương tác xã hội nào với người bằng xương bằng thịt đều rất kỳ cục - cảm giác như chúng ta phải học lại cách ngồi trong phòng với một người khác”, TS Hòa An chia sẻ. 

TS Hòa An cho rằng, cần có thời gian để thích ứng và sự hỗ trợ từ nhiều phía: “Sự mất mát to lớn trong giao tiếp xã hội thông thường sẽ được bù đắp một phần nhờ sức mạnh gia tăng của quan hệ gia đình và tình bạn thân thiết. Một phần của quá trình điều chỉnh xã hội có thể là các bạn trẻ học cách phân bổ lại thời gian và năng lượng khỏi gia đình để dành cho bạn bè, đồng nghiệp, người quen mà không làm mất đi sự gần gũi tạo dựng được với những người thân yêu. Tất cả đều cần thời gian để thích ứng. Hít thở bầu không khí trong lành, trao nhau những cái ôm trực tiếp, trò chuyện và cùng nhau thực hiện các công việc, vui chơi, vốn dĩ là quy luật tự nhiên của sự phát triển mang tính xã hội”.

Tin cùng chuyên mục