Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng

Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên diện tích 56.249ha, thuộc địa bàn 8 xã, 1 thị trấn. Tổng số viên chức và người lao động là 108 người.
Cộng đồng tham gia tuần tra bảo vệ rừng
Cộng đồng tham gia tuần tra bảo vệ rừng

Trong năm 2019, đơn vị tổ chức 87 cuộc tuyên truyền với 3.321 lượt người tham gia; duy trì hoạt động 10 câu lạc bộ xanh tại 10 trường THCS trên địa bàn, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cho các em học sinh; tặng 4.000 cuốn vở, 300 áo, 300 mũ cho các em học sinh; ký 49 bản cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với 49 hộ có nương rẫy giáp ranh với VQG.

Đơn vị tổ chức 3.512 cuộc tuần tra trong rừng với 15.678 lượt người tham gia, qua đó phá bỏ 53 lán trại, thu gỡ 2.221 dây bẫy các loại, trục xuất 529 người vào rừng trái phép, phát hiện và xử lý 5 vụ vi phạm, kịp thời ngăn chặn các hành vi khác xâm hại đến tài nguyên rừng. 

Xây dựng phương án bảo vệ rừng ngay từ đầu năm, triển khai 19 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực có nguy cơ xâm hại cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm, nhờ đó mùa khô 2018-2019 địa bàn VQG không xảy ra cháy rừng.

Đơn vị thực hiện các đề tài nghiên cứu là Giám sát loài Vượn đen má hung Trung bộ, theo dõi sinh trưởng loài quý hiếm giáng hương, cẩm lai; tiếp tục áp dụng công nghệ GIS vào hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng; tiếp tục theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; tiếp tục thực hiện các hạng mục chăm sóc 103,3ha rừng trồng; trồng mới 7,3ha cây quý hiếm (trắc, sao, muồng, dầu) để bảo tồn gen.

Trong năm, đơn vị tiếp nhận cứu hộ 14 cá thể động vật hoang dã; tổ chức thả về môi trường tự nhiên 88 cá thể; lưu giữ, chăm sóc, bảo tồn 122 loài lan rừng; gieo ươm 3.000 cây bản địa (trắc, sao, dầu) để phục vụ cho công tác trồng bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm.

Cộng đồng tháo gỡ bẫy thú

Ban quản lý hỗ trợ 49 thôn vùng đệm với số tiền 1,96 tỷ đồng. Số tiền này đã được các cộng đồng sử dụng có hiệu quả, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các cộng đồng, góp phần củng cố xây dựng nông thôn mới tại các xã trong năm 2019; tiếp tục giao khoán 16.391ha rừng cho 20 cộng đồng bảo vệ, nhờ đó tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2020, đơn vị tiếp tục triển khai quản lý, bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng; không để xảy ra điểm nóng vi phạm luật lâm nghiệp; phấn đấu giảm ít nhất 20% số vụ vi phạm xảy ra so với năm 2019.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền trong cộng đồng để thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động tuần tra rừng, cung cấp thông tin, tố giác vi phạm để kịp thời xử lý; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm luật lâm nghiệp; tiếp tục duy trì các chốt tại các khu vực có nguy cơ cháy rừng, các khu vực có nguy cơ khai thác trái phép; tiếp tục áp dụng công nghệ GIS trong các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng; tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp trong BVR, xử lý vi phạm với UBND các xã, các đơn vị liên quan; tiếp tục giao khoán 16.391ha cho các cộng đồng tham gia bảo vệ rừng; triển khai trồng mới 50ha rừng đặc dụng đã đăng ký theo đúng tiến độ thời gian và đạt hiệu quả; triển khai đề tài điều tra, nghiên cứu phân bố loài Bò tót để xây dựng giải pháp bảo vệ tốt nhất; tiếp tục thực hiện công tác cứu hộ động vật, bảo tồn các loài lan rừng, bảo tồn một số loài gỗ quý hiếm; xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các bộ phận, các trạm trong việc thực hiện nhiệm vụ; kịp thời tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, đề xuất cấp thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục