Vườn Quốc gia Chư Mom Ray - Nơi cứu hộ, bảo tồn động thực vật quý hiếm

Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) có độ che phủ rừng cao, là nơi sinh sống của nhiều động thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Đây cũng là nơi cứu hộ các loài động vật quý bị nuôi nhốt hoặc săn bắn trái phép trước khi chăm sóc, huấn luyện và thả chúng về tự nhiên.
Cán bộ trung tâm trong một lần chăm sóc một cá thể vượn bị thương
Cán bộ trung tâm trong một lần chăm sóc một cá thể vượn bị thương

Môi trường sống của nhiều động vật có tên trong Sách đỏ

VQG Chư Mom Ray có tổng diện tích là hơn 56.249ha, nằm ở 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Trong đó, diện tích rừng đặc dụng là 54.583ha, rừng sản xuất là 1.665ha, độ che phủ là 93,7%. Đây cũng là nơi cư trú, môi trường sống và cung cấp nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật rừng hoang dã. 

Đến khu rừng nằm trên lâm phần của vườn ở xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, chúng tôi ghi nhận nhiều cây gỗ quý hiếm to bằng 2 người ôm nằm dọc đường. Trên nhiều cây gỗ, có nhiều cây phong lan mọc, cành nhánh vươn tỏa ra xung quanh. Đi thêm một đoạn, chúng tôi bắt gặp ở khoảnh bụi gần suối có 3 cá thể heo rừng đang uống nước và tìm kiếm thức ăn, dấu chân in hằn trên đất. “Khu vực này rừng ít tác động nên heo rừng ở đây rất nhiều, chúng tôi đã từng gặp rất nhiều cá thể heo rừng đi ăn. Không chỉ heo rừng mà chúng tôi còn bắt gặp cá thể khỉ đu lượn trên các khoảnh rừng. Rồi gà rừng, nhím và cả cá thể mang cũng nhiều nữa”, một người dân nói.

Theo ông Đào Xuân Thủy, Phó Giám đốc VQG Chư Mom Ray, đối với thực vật, tổng số loài đã phát hiện và ghi nhận tại vườn là 1.895 loài, thuộc 541 chi, 184 họ. Trong đó ngành dương xỉ 178 loài, ngành thực vật hạt trần 11 loài, ngành thực vật hạt kín 1.302 loài và có 131 loài thuộc diện quý hiếm. Đối với động vật, đã điều tra và ghi nhận được 950 loài. Trong đó, có 120 loài động vật có vú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 365 loài côn trùng. Có 176 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. 

Ông Thủy còn cho biết, để bảo tồn, nhân rộng các loài ren quý, những năm qua, vườn tiến hành trồng bảo tồn nguồn gen trắc 3ha và trồng di thực 900 cây trắc. Bên cạnh đó, vườn tổ chức 1.688 đợt tuần tra, kiểm tra trong rừng với 4.006 lượt người tham gia, thu gỡ 2.900 dây bẫy thú các loại, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ săn bắt động vật rừng.

Cứu hộ động vật bị nạn

VQG Chư Mom Ray không chỉ là môi trường sống cho các loại động thực vật mà còn là nơi cứu hộ, cứu chữa các loại động vật trước khi thả chúng về tự nhiên.

Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (làng BarGok, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) thuộc VQG Chư Mom Ray được thành lập từ nhiều năm nay. Nhiệm vụ của trung tâm là tiếp nhận các loài động vật hoang dã do cơ quan chức năng bắt giữ trong các vụ vi phạm, do người dân tự nguyện giao nộp hoặc do kiểm lâm vườn trong quá trình đi tuần tra tháo gỡ bẫy trong rừng rồi tiến hành chăm sóc cho khỏe mạnh trước khi thả chúng về rừng. Năm 2016, vườn thực hiện tiếp nhận, cứu hộ và thả về tự nhiên 44 cá thể; năm 2017 tiếp nhận, cứu hộ 15 cá thể động vật hoang dã (gồm vượn, khỉ, trăn, cầy hương, rùa). Bên cạnh đó, trước nguy cơ một số loài lan rừng đang bị dân khai thác cạn kiệt có nguy cơ tiệt chủng, trung tâm cũng di thực về tại trung tâm để nuôi dưỡng bảo tồn.

 “Hiện nay trung tâm đang bảo tồn khoảng 1.400 giá thể lan rừng với khoảng hơn 100 loài lan khác nhau. Trung tâm cũng đang cứu hộ 2 cá thể khỉ, 1 cá thể vọc chà vá chân xám do Hạt Hiểm lâm Kon Plông bàn giao. Bên cạnh đó, trung tâm còn thực hiện giám sát loài thú móng guốc như bò tót, loài linh trưởng như vượn má hung để xây dựng giải pháp bảo vệ và phục vụ công tác nghiên cứu”, ông Thủy nhấn mạnh.

Ông Thủy bật mí, trong quá trình làm công tác cứu hộ động vật, câu chuyện khiến anh em trong đơn vị nhớ mãi là chuyện cứu hộ cá thể khỉ do người dân tự nguyện bàn giao. Sự việc diễn ra vào năm 2017, một hộ dân ở huyện Tu Mơ Rông có nuôi một cá thể khỉ, khi biết việc nuôi nhốt động vật rừng là vi phạm pháp luật đã liên hệ với trung tâm để giao nộp. Tiếp nhận, trung tâm huy động cán bộ chuyên môn để chăm sóc, nuôi dưỡng.

“Lâu lâu người chủ ở huyện Tu Mơ Rông cũng chạy hàng trăm kí-lô-mét để đến trung tâm thăm cá thể khỉ mà họ đã từng chăm sóc, nuôi nấng. Họ đến thăm vì họ nhớ và muốn tận mắt kiểm tra cá thể khỉ có được chăm sóc tốt không. Thấy cán bộ trung tâm hết lòng cứu hộ, huấn luyện cá thể khỉ, người chủ rất mừng và cảm ơn anh em trung tâm. Đến khi cá thể khỉ khỏe mạnh, chúng tôi tiến hành thả về rừng. Khi thả, cá thể khỉ bày tỏ sự quyến luyến cán bộ trực tiếp chăm sóc. Thấy từng cá thể động vật được chính tay anh em trung tâm cứu chữa khỏe mạnh rồi thả về rừng tái hòa nhập với cộng đồng, chúng tôi rất mừng và xem đó là động lực để cố gắng hơn nữa”, ông Thủy nói.

Tin cùng chuyên mục