Vùng ven cửa đóng then cài

Đám giỗ năm nào cũng vài ba mâm để con cháu trong nhà quây quần, hàng xóm tới chung vui, vậy mà năm nay cũng đành vỏn vẹn vài ba món cúng ông bà. Trước ngày chánh giỗ, bà Nguyễn Thị Hồng (65 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) lật cuốn sổ ghi số điện thoại từng họ hàng để gọi. “Gọi để thông báo nhà chỉ làm mâm cơm cúng ông bà chứ không làm giỗ lớn để mọi người khỏi trông. Giỗ năm này hông được thì năm sau, giờ phải lo chống dịch trước đã”, bà Hồng nói.

Đợi đến lúc an toàn

Nhà ai nấy ở, hàng xóm cũng không bước chân qua lại, cọng rau con cá buổi chợ sớm phải thay thế bằng mớ đồ hộp để sẵn trong nhà… là những điều xa lạ với nhiều người dân vùng ven. Nhưng ngày giãn cách để chống dịch, điều xa lạ cũng buộc phải quen, vùng ven cửa đóng then cài, 5K nghiêm ngặt, hàng xóm sát vách, cạnh rào cũng đành tám chuyện qua điện thoại.

Hàng xóm sát bên, sáng ra đi chợ cũng xách giỏ đi chung, bà con xa không qua láng giềng gần là vậy, nhưng cả mấy tháng nay nhà bà Hồng và cô Lê Thị Gái (50 tuổi) nhà ai nấy ở, muốn xin trái ớt, cọng hành cũng đành thôi. Cô Gái kể: “Dịch dã quá chừng, tui với bả nhà sát bên rào chứ đâu, mà hai bà ôm 2 cái điện thoại í ới với nhau. Năm nay, không thấy bả mời đám giỗ là biết rồi, có bữa nấu canh thiếu cọng hành cũng chịu luôn, chứ hông dám qua xin, dịch này đi đâu cũng ngại hết”.

Vùng ven cửa đóng then cài ảnh 1 Gian hàng 0 đồng trước Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM

Vùng ven thành phố nơi tốc độ đô thị hóa vẫn còn xen lẫn chút hồn quê mộc mạc, chuyện nhà ai nấy ở có lẽ không quen thuộc lắm với người dân ở đây, vì bao đời nay đã quen câu hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau. Mấy bà hay ngồi tán dóc mỗi buổi chiều tà, mấy ông tụm lại lai rai vài xị đế… Bây giờ đành cửa đóng then cài, rượu chè hay tám chuyện cũng phải đợi đến lúc an toàn mới dám ngồi lại với nhau rỉ rả chuyện này chuyện kia. Con đường trong ấp, trong xã ngày thường đã ít người nay lại càng vắng, bởi đám nhỏ cũng bị ba mẹ bắt ở yên trong nhà, không còn loanh quanh chạy giỡn, thả diều. 

Nhà cách chỗ làm chừng 45 phút đi xe máy, nhưng gần 2 tháng qua, chị Mai Ngọc Mai (27 tuổi, nhân viên kiểm toán, ngụ huyện Nhà Bè) vẫn chưa về nhà. Chị kể: “Công ty tôi làm việc hiện an toàn, không có ca mắc hay nghi mắc Covid-19, nên khuyến khích mọi người ở lại văn phòng luôn. Gia đình tôi còn em trai ở chung nhà chăm sóc ba mẹ, nên tôi cũng an tâm phần nào. Chiều nào xong việc tôi cũng gọi về nhà, để đỡ nhớ mọi người. Tôi ở công ty làm việc, ăn sáng trưa chiều ở đây. Tôi không hề ra ngoài, hay đi lại nhiều, cũng có lúc cuồng chân lắm, nhưng phải chịu thôi, đợi đến lúc an toàn rồi mình đi chơi cũng không muộn”.

Trách nhiệm và sẻ chia

Những đợt dịch bùng phát trong cộng đồng ở TPHCM trước đây, ngoại thành có lẽ vẫn là nơi bình yên nhất, nhưng trong đợt dịch lần này, nhiều chợ, khu công nghiệp có ca mắc và nghi mắc Covid-19, khiến ai nấy cũng khẩn trương hơn trong chuyện chống dịch. Có những ngày, hết nhận điện thoại tới hàng xóm qua hỏi thăm, ông tổ trưởng dân phố cũng phát bực nhưng đành phải nhẹ giọng giải thích để cả xóm không lo lắng, hoang mang. “Tui phát tờ giấy thông báo lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng toàn bộ dân trong xã. Có cô về hưu gần nhà lớn tuổi, mắt mũi tèm lem đọc thành lấy máu. Cổ quýnh quá gọi điện thoại rồi chạy vô hỏi tôi, sợ lấy máu đau, phần nữa là hay bị thiếu máu nên nhát lắm, hỏi mà xém khóc thành ra tui phải ngồi cắt nghĩa từ từ cho cổ hiểu”, chú Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) kể.

Cũng bởi dịch mà chuyện cả làng, cả xóm xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm, nhiều người sống cả đời mới trải qua lần đầu, nên ai nấy khẽ dặn nhau phải phòng dịch cẩn thận… Và chỉ thiệt sự mừng khi ông trưởng ấp thông báo là “ấp mình không sao”. “Tui đi lấy mẫu xét nghiệm, hỏi mấy cô cậu ở chỗ lấy mẫu thì nói là ngày mai có kết quả, tối về tui ngủ hông được luôn. Rồi sớm mơi lại trông tin, tới trưa ông trưởng ấp báo là ấp mình không ai bị sao hết mới nhẹ nhõm đi ăn cơm”, bà Nguyễn Thị Châu (70 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) tâm sự.

Và cũng có những thói quen mà đợt dịch này, người dân vùng ven mới bắt đầu. Chợ vùng ven không thiếu đặc sản cây nhà lá vườn tươi xanh, hay con tôm sông roi rói nên chuyện mua đồ để dành rất ít. Nhưng những ngày này, người quen lại dặn nhau: “Mua thêm ít gạo với mì để sẵn trong nhà đi bà”, “Coi mua mấy lon cá, hộp thịt để dành cho tụi nhỏ, để thắt ngặt không đi chợ được thì cũng có mà ăn liền”… Hàng xóm cho qua cho lại trái bí, trái cà cũng là chuyện thường, nhưng những ngày này tự nhiên khiến người ta xúc động. Nhận túi quà từ Gian hàng 0 đồng phía trước Trường THCS Đa Phước, bà Bảy A (72 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) mắt rơm rớm: “Hết bán vé số, nay được mấy cô chú cho phần quà này thiệt mừng trong bụng dữ lắm”.

Gian hàng 0 đồng do nhà tài trợ, Hội cựu Giáo chức huyện Bình Chánh và ai trong xã có gì góp nấy, được tổ chức phía trước Trường THCS Đa Phước từ mì, gạo, đường, nước mắm đến rau, củ quả… để hỗ trợ bà con khó khăn. Anh Nguyễn Công Toại (Xã đoàn Đa Phước) chia sẻ: “Qua Gian hàng 0 đồng, tôi cảm nhận được tình yêu thương của bà con mình dành cho nhau nhiều lắm. Biết tôi tham gia ở Gian hàng 0 đồng, có chú kia ra vườn cắt mấy trái mướp, rồi hái mớ rau nhà trồng để góp vào. Có bữa tôi đang đứng sắp xếp đồ cho gian hàng, 1 bạn nam chạy tới gửi 500.000 đồng và nhờ mua quà gửi bà con. Dịch bệnh ai cũng lo, nhưng những lúc khó khăn như vầy càng thêm quý cái tình cái nghĩa của bà con mình với nhau. Trái bí cọng rau trong vườn thôi mà thấy thương quá chừng”.

Những ngày giãn cách chống dịch, người dân vùng ven cũng thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt ngày thường. Cửa đóng then cài, nhà ai nấy ở… nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn nghĩ đến nhau qua từng trái bí trái bầu.

Sân trường một số xã ở huyện Hóc Môn cũng được trưng dụng thành nơi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Từng hàng người xếp hàng ngay ngắn chờ tới lượt, có lâu cũng không ai ca thán, có quen biết cũng không dám hỏi thăm nhau. Đội tình nguyện viên nhập liệu ở các điểm lấy mẫu xét nghiệm là thanh niên tại chỗ. Gặp người quen cô Ba, chú Tám…, các bạn cũng chỉ dám gật đầu chứ không thể trò chuyện. “Tôi là giáo viên tiếng Anh, hiện tại công việc bị gián đoạn nên đăng ký làm tình nguyện viên nhập liệu ở mấy điểm lấy mẫu xét nghiệm. Hàng ghế trong cùng bên kia, tôi ngó danh sách thì toàn người quen trong xóm với bà con họ hàng trong gia đình không hà, mà đâu có dám nói chuyện. Tôi mặc đồ bảo hộ kín mít, nên có người nhận ra có người không, có nhận ra cũng chỉ gật đầu chào một cái”, Thành Đạt (26 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) cho biết.

Tin cùng chuyên mục