Vững tin màu blouse trắng: Phát triển nguồn nhân lực y tế trong tình hình mới

Từ ngày 22 đến 26-2, Báo SGGP đăng tải loạt bài “Vững tin màu blouse trắng”, nhằm ghi nhận và tôn vinh đóng góp của lực lượng y tế. Loạt bài đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình của độc giả, cần có một sự tri ân xứng đáng dành cho những người đã và đang vì sự bình an của người dân. 
Bác sĩ tuyến đầu đang thăm khám bệnh nhân điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Trưng Vương, quận 10, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bác sĩ tuyến đầu đang thăm khám bệnh nhân điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Trưng Vương, quận 10, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, đội ngũ y bác sĩ đã chịu thiệt thòi rất nhiều trong thời chiến, thời bình, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh, rất xứng đáng để tôn vinh. Hiện toàn ngành đang nỗ lực phát triển nguồn nhân lực y tế trước những thách thức trong tình hình mới, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

PHÓNG VIÊN: Ông có đánh giá gì về quá trình phát triển của ngành y tế TPHCM sau hơn 45 năm phát triển?

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Hơn 45 năm phát triển, ngành y tế TPHCM đã trải qua những giai đoạn thăng trầm với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hệ thống y tế TPHCM luôn đứng vững và phát triển, thầy thuốc cũng như nhân viên ngành y tế thành phố luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngày nay, ngành y tế TPHCM có được nguồn nhân lực chất lượng cao, những y bác sĩ hết sức hết lòng chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngoài những chiến lược, chính sách và chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, phải kể đến công sức và những đóng góp quý báu của các thầy cô. Các thầy cô vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo, gánh trên vai hai trọng trách cao cả của xã hội là trồng người và cứu người. 

Vững tin màu blouse trắng: Phát triển nguồn nhân lực y tế trong tình hình mới ảnh 1 PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM 
Đợt dịch Covid-19 lần 4 vừa qua, hình ảnh các thầy cô cùng học viên lăn xả vào tâm dịch, không quản ngại khó khăn, hăng hái ra tuyến đầu chống dịch; hình ảnh các anh, chị thế hệ trước với những buổi huấn luyện cho thế hệ sau ngay tại hiện trường để sử dụng các phương tiện chống dịch, phương tiện hồi sức cấp cứu, máy thở... có lẽ là những hình ảnh không thể nào quên đối với nhiều người dân thành phố. Các thế hệ thầy thuốc của ngành y thành phố không chỉ được học tập kiến thức, mà còn được thầy, cô răn dạy về các bài học làm người, tấm gương đạo đức, tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Hiện nguồn nhân lực ngành y tại TPHCM đã có những biến đổi gì về số lượng và chất lượng, thưa ông?

Tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân tăng từ 16,07 bác sĩ của năm 2016 lên 20 bác sĩ vào năm 2020. Bên cạnh đó, số lượng trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe trên địa bàn thành phố tăng dần theo thời gian. 

Tính đến cuối năm 2021, thành phố có 8 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ đại học; 8 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp và dạy nghề; hệ thống cơ sở thực hành lâm sàng tại 51 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế thành phố. Số cán bộ, công chức, viên chức y tế có trình độ sau đại học tăng từ 6.385 vào năm 2016 lên 8.400 trong năm 2021. Số bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học tăng từ 3.565 vào năm 2010 lên 6.028 người trong năm 2021. Trong đó, tiến sĩ chiếm 4.98%. 

Thế nhưng, trên thực tế, công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế giai đoạn hiện nay vẫn chưa được như mong muốn?

Thực tế nếu so sánh với các nước có hệ thống y tế phát triển thì TPHCM vẫn cần tiếp tục bổ sung thêm bác sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn. Chưa kể, TPHCM hiện vẫn tồn tại một nghịch lý và cần có lời giải đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, đó là: mô hình hình tháp ngược về bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ thực hành tổng quát (còn gọi là bác sĩ đa khoa hay GP) trên địa bàn thành phố. Đa số các bác sĩ khi mới tốt nghiệp và trong quá trình làm việc đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, thực tế cho thấy số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều lần so với số bác sĩ thực hành tổng quát và các bác sĩ gia đình. 

Với mô hình hình tháp ngược về loại hình bác sĩ như hiện nay, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở sẽ còn gặp nhiều khó khăn và khó có thể phát triển được. Đi kèm với nó là tình trạng quá tải bệnh viện cùng những hệ lụy phát sinh liên tục. Đặc biệt, những hệ lụy này đã bộc lộ rõ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, còn nhiều loại hình nhân viên y tế chưa được các trường đại học y khoa đào tạo hoặc đào tạo không đủ số lượng so với nhu cầu thực tế. Như: loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có trong danh mục đào tạo tại các trường y khoa (rất cần để bổ sung cho mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố), hay chuyên viên y tế công cộng (số lượng còn ít chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế cho y tế cơ sở)...

Ngành sẽ khắc phục khó khăn, thách thức đó ra sao, thưa ông?

Vừa qua, ngành y tế đã triển khai thí điểm “Chương trình thực hành lâm sàng” dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh đa khoa. Theo đó bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp sẽ được hướng dẫn thực hành tại các trạm y tế đan xen với thực hành tại bệnh viện dưới sự hướng dẫn chuyên môn và hướng dẫn thực hành của bác sĩ bệnh viện đa khoa hạng I. Khi tham gia chương trình này, các bác sĩ còn được thành phố hỗ trợ 100% kinh phí thực hành và được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Ngay sau khi được phổ biến và thấy được ý nghĩa quan trọng của chương trình, Sở Y tế đã nhận được sự đăng ký tham gia của 297 bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. 

Bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên nguồn lực để phát triển y tế chuyên sâu, thí điểm các giải pháp để củng cố y tế cơ sở, ngành y tế còn được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ triển khai thành công 6 chiến lược y tế với nhiều giải pháp thiết thực để từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trước những yêu cầu trong tình hình mới, bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế thật sự đã trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế.

Tin cùng chuyên mục