Vững tin màu blouse trắng - Bài 1: Đôi vai nhỏ gánh việc lớn

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Vững tin màu blouse trắng” nhằm ghi nhận và tôn vinh đóng góp của lực lượng y tế, từ đó đề xuất một sự tri ân xứng đáng dành cho những người đã và đang vì sự bình an của người dân.

LTS: Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, sẽ thật nhiều hoa và lời chúc mừng dành cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Nhưng một ngày thì không thể kể hết những gian lao, nhất là tại tâm dịch TPHCM vừa qua, đối với lực lượng tuyến đầu này. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Vững tin màu blouse trắng” nhằm ghi nhận và tôn vinh đóng góp của lực lượng y tế, từ đó đề xuất một sự tri ân xứng đáng dành cho những người đã và đang vì sự bình an của người dân.

“Ổng tới báo có người thân cần hỗ trợ test nhanh tại nhà, đúng lúc cả đội đang ăn cơm trưa, mình đưa tay ra dấu kêu chờ vài giây để và xong miếng cơm cuối. Ổng hỏi: Ủa, y tế cũng ăn cơm trưa nữa hả? Thiệt tình không biết cười hay khóc với ổng luôn”, y sĩ Trần Hoàng Giang, Trưởng Trạm y tế xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM, kể lại.

1. Trạm y tế xã Quy Đức (huyện Bình Chánh, TPHCM) chỉ có 5 nhân viên y tế theo biên chế, 2 nhân viên lao động hợp đồng, ngày thường làm không xuể việc, mùa dịch lại chồng chất áp lực… “Địa bàn xã nhỏ, chỉ có 4 ấp, nhưng đợt dịch vừa rồi ghi nhận khoảng 1.800-1.900 ca F0. Thiệt tình là con số cụ thể thì phải coi lại giấy tờ tôi mới nhớ, người dân khai báo có F0 thì mình hỗ trợ điều trị và cách ly tại nhà, nên thành ra mấy anh em cứ làm”, y sĩ Hoàng Giang chia sẻ.

Những ngày dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, trạm y tế nhỏ bé đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ và điều trị người dân. Y sĩ Hoàng Giang kể lại: “Trạm xây hẳn một phòng cách ly. Lúc dịch, mấy anh em đi làm rồi ở lại trạm 3 tại chỗ luôn, còn cái phòng này dành cho bà con nào không may nhiễm bệnh mà tâm lý không ổn, thì ra ở gần y tế cho yên tâm. Nhiều bà con mình chưa hiểu hết dịch bệnh, lúc nhiễm bệnh tâm lý bất an, cứ 5 phút, 10 phút gọi ra trạm một lần. Trường hợp nào mà trấn an có vẻ không ổn thì tôi đưa ra trạm cách ly điều trị, tâm lý vững thì điều trị bệnh mới hiệu quả được”.

Cái điện thoại luôn kè kè pin dự phòng, vì suốt mùa dịch và đến hiện tại, số máy của y sĩ là đường dây nóng để bà con trong xã liên lạc khi cần. Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu cảm xúc, đội ngũ y tế cũng phải gánh hết, chưa đầy 5 phút chuông điện thoại lại reo không ngớt.

“Có bữa anh em nhiều việc, dân thì người hối tới test, người hỏi sao test hoài, thiệt tình là cũng có chút bực mình. Nhưng mình đã chọn công việc này rồi thì ráng thôi, nhiều anh em áp lực đòi nghỉ ngang, tôi khuyên đâu có được. Lúc yên ổn mình đi làm, lúc dịch giã, mình đòi nghỉ thì coi sao đặng, hơn nữa lúc này bà con cần mình hơn lúc nào hết…”, anh Hoàng Giang bày tỏ.

“TPHCM từng bước đưa các hoạt động trở lại bình thường, tuyến y tế cơ sở thực hiện các công việc thường trực, sẵn sàng hỗ trợ điều trị khi có F0; chương trình tiêm vaccine cũng được tổ chức xuyên tết, xuyên lễ… Công việc có nhiều hơn lúc chưa có dịch, nhưng mà bây giờ nhẹ hơn rồi, bà con mình ai cũng 2 mũi vaccine trở lên. Nhịp sống cũng dần dần như xưa. Nhìn lại thời gian bùng dịch thiệt là rất sợ, nhưng từ cái sợ mới có sự trưởng thành, anh em làm việc cũng bớt áp lực, trân trọng và yêu nghề hơn”, y sĩ Trần Hoàng Giang bày tỏ.

2. Trong cái nóng oi bức, nhiều người dân được đội ngũ y bác sĩ của Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) ân cần thăm khám. Bác sĩ Vũ Thị Thúy Hiền, Trưởng trạm, cho hay: “Hơn 17 năm công tác ở tuyến y tế cơ sở, chưa bao giờ tôi thấy cán bộ y tế cơ sở nhiều việc như thế này. Nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, cán bộ y tế như một cái túi - đựng đủ thứ việc”.  

Vững tin màu blouse trắng - Bài 1: Đôi vai nhỏ gánh việc lớn ảnh 1 Bác sĩ Vũ Thị Thúy Hiền, Trưởng trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), thăm khám sức khỏe cho bệnh nhi sáng 18-2. Ảnh: CAO THĂNG

Với bác sĩ Thúy Hiền, hơn 2 năm qua là khoảng thời gian tiếp nối của căng thẳng và mệt mỏi. Nhân viên của trạm không kể ngày đêm, không ca kíp, có lệnh điều động hoặc điện thoại của người bệnh là lên đường. Hàng trăm cuộc gọi khẩn giữa đêm, cả nhóm nháo nhào thức dậy lao vào guồng việc. Phường Bình Hưng Hòa B có gần 99.000 nhân khẩu, trong đó có trên 57.000 người tạm trú, đa số làm việc trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và sống trong các khu nhà trọ tạm bợ. Địa bàn rộng, nhiều đường ngang lối tắt, số nhân viên của trạm y tế phường chỉ có 9 người nhưng đã hỗ trợ gần 9.000 ca F0 trong đợt dịch vừa qua. 

Giai đoạn cao điểm dịch, có ngày Trạm y tế Bình Hưng Hòa B tiếp nhận hơn 100 F0, cứ thế rồi ai cũng dần đuối sức. Sau đó, địa bàn được tăng cường thêm 4 đội y tế lưu động (12 y bác sĩ, học viên Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng), gánh nặng được giảm bớt.

“Giữa tháng 7, khi được điều động hỗ trợ phường An Lạc phòng chống dịch, cả 8 nhân viên y tế đều mắc Covid-19. Nhiều đêm, 11, 12 giờ khuya mới xong việc, từ Trạm y tế An Lạc về lại Trạm y tế Bình Hưng Hòa B phải xuôi theo quốc lộ 1, ai cũng sợ. Thật lòng, những lúc đêm khuya trực tại trạm, khi công việc đã ngơi tay, nỗi nhớ nhà, nhớ con quay cuồng”, bác sĩ Hiền nhớ lại.

Chúng tôi gặp bác sĩ Châu Quang Khải, Trưởng Trạm y tế phường 15 (quận Tân Bình), khi anh cũng đang tất bật thăm khám cho người bệnh. Đó là bệnh nhân Nguyễn Tất Hợi (74 tuổi, ngụ 185/12/32 Nguyễn Phúc Chu, phường 15, Tân Bình) bị cao huyết áp cộng thêm bệnh tim do thiếu máu cục bộ. Lo ngại bị lây nhiễm Covid-19 nên ông không đi khám đúng hẹn, bệnh tình trở nặng. Ông kể với chúng tôi, những ngày tháng đó, lúc thì bác sĩ Khải, khi thì nhân viên của trạm y tế gọi điện thăm hỏi bệnh tình, lúc lại đích thân tới tận nhà thăm khám…

Vững tin màu blouse trắng - Bài 1: Đôi vai nhỏ gánh việc lớn ảnh 2 Bác sĩ Châu Quang Khải, Trưởng Trạm y tế phường 15 (quận Tân Bình) thăm khám sức khỏe cho người bệnh lớn tuổi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Đêm giao thừa vừa qua, khi mọi người, mọi nhà quây quần bên nhau thì chúng tôi vẫn có mặt tại trạm để tiếp đón, hướng dẫn y tế cho một số người từ nước ngoài về đón tết cùng người thân trên địa bàn. Khi người dân cuối cùng rời trạm, cũng là lúc thời khắc thiêng liêng của đất trời đã trôi qua”, bác sĩ Khải nhớ lại. 

Tại quận Bình Thạnh, bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt (Trạm y tế phường 15) kể, đợt dịch thứ 4 vừa qua là “cuộc chiến” cam go nhất với lực lượng tuyến đầu. Bắt đầu từ bệnh nhân N.T.N.G. (hẻm 57 Điện Biên Phủ) được phát hiện, sau đó 2 người khác sống chung cùng phòng trọ cũng mắc Covid-19 vào cuối tháng 5-2021. Ngay tức thì, phường 15 triển khai 4 chốt chặn tạm thời phong tỏa hẻm 57, toàn bộ 436 hộ với 1.770 người phải “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Những ngày đầu phong tỏa, toàn bộ công tác chăm sóc sức khỏe cho 1.770 người dân dồn lên vai bác sĩ Nguyệt và đồng nghiệp. 

Giữa đêm khuya, một cụ bà gần 70 tuổi có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt, tinh thần của cụ và gia đình hoang mang. Có mặt tại nhà cụ, bác sĩ Nguyệt trấn an mọi người bình tĩnh, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người thân bệnh nhân. Bà tạm ổn, nhưng đến rạng sáng hôm sau, các biểu hiện tái xuất hiện. Tờ mờ sáng, quay lại nhà cụ, chị làm các thao tác hỗ trợ y tế, giúp cụ mặc đồ bảo hộ, động viên tinh thần và đưa cụ lên xe cấp cứu… Xe cấp cứu rời đi, chưa ngồi nóng chỗ, điện thoại lại kêu vang, chị và đồng nghiệp tiếp tục mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị hộp thuốc và dụng cụ rồi rẽ chốt chặn để vào bên trong hỗ trợ cho một bệnh nhân khác...

Bác sĩ Nguyệt không thể nhớ hết được số lần ra - vào hẻm 57 khi đó để hỗ trợ đưa các trường hợp F0 đi điều trị. “Những ngày đầu, quá nhiều người cần hỗ trợ khiến tôi và đồng nghiệp rất lo lắng, áp lực vì lo mình không đủ sức lực để giúp đỡ người dân. Còn về lây nhiễm thì đã xác định có thể xảy đến bất cứ lúc nào”, bác sĩ Nguyệt kể.

Áp lực và khó khăn của tuyến y tế cơ sở cũng chẳng phải lạ gì với bác sĩ Nguyễn Thái An, phụ trách Trạm y tế xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM), nhưng đôi khi hoàn cảnh lại đặt người ta vào thử thách. Cha của bác sĩ An không may nhiễm bệnh và qua đời cũng trong đợt dịch vừa qua. Với bác sĩ An, đó như một sự ám ảnh.

“Tính ra tôi cũng may mắn hơn nhiều y bác sĩ khác, họ đi chống dịch xa nhà, người thân mất không về kịp. Còn tôi vẫn kịp đưa ba tôi đi bệnh viện điều trị. Ông nằm hơn 10 ngày thì mất, lúc bệnh viện báo về mình cũng xót xa như những thân nhân khác, bệnh này phút cuối người nhà cũng đâu có được gặp nhau…”, bác sĩ An trải lòng.

Tin cùng chuyên mục