Vùng “lõm” tiêm chủng

Là khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất nước và lại gần TPHCM nhưng ít ai biết rằng, các tỉnh Đông Nam bộ lại rơi vào tình trạng dịch sởi bắt đầu bùng phát dù vaccine không thiếu. Và nếu không có giải pháp kịp thời, vùng “lõm” tiêm chủng sẽ lây lan sang các địa phương khác.
Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước
Tiêm chủng cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước

Số ca mắc sởi tăng đột biến

Từ cuối năm 2018, dịch sởi bắt đầu xuất hiện, sau đó bùng phát ở hầu hết các địa phương của tỉnh Bình Phước. Nếu hơn 1 tháng trước, toàn tỉnh ghi nhận 150 ca mắc sởi, sốt phát ban nghi sởi thì đến ngày 19-5-2019, số ca mắc bệnh tăng đột biến với 776 ca, tập trung ở các huyện Hớn Quản (153 ca), Bù Đăng (105 ca), thị xã Phước Long (104 ca) và TP Đồng Xoài (79 ca)... Đây là con số mắc bệnh sởi cao nhất trong nhiều năm trở lại đây chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

Chị Thị Thu (dân tộc S’tiêng, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) có 3 con, đứa lớn 13 tuổi mới tiêm 3 mũi nhưng không nhớ là loại nào, con thứ hai 7 tuổi vì sinh tại nhà nên đến nay chưa tiêm mũi nào và cháu nhỏ nhất 2 tuổi cũng chưa tiêm. Chị cho biết: “Cán bộ y tế địa phương cũng có nhắc gia đình cho con đi tiêm phòng, nhưng do tôi và chồng đều bận đi cạo mủ cao su thuê suốt ngày nên không có thời gian”. 

Tại Bình Dương, trong 4 tháng đầu năm 2019 số ca mắc sởi trên địa bàn tăng đột biến với hơn 1.000 bệnh nhân trong khi cả năm 2018 chỉ có 910 ca bệnh sởi. Đối tượng bệnh nhân mắc sởi nhiều nhất là trẻ dưới 9 tháng tuổi, trong đó chủ yếu là trẻ em không được tiêm chủng (558 trường hợp) và không rõ nguyên nhân (436 người). Địa bàn có bệnh nhân sởi bùng phát nhiều nhất là thị xã Thuận An (chiếm hơn 30% số ca bệnh sởi toàn tỉnh) và Tân Uyên (193 trường hợp). Mặc dù không có ca bệnh diễn biến nặng nhưng mức độ lây lan nhanh của bệnh này trong thời gian qua đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. 

Chị Nguyễn Thị Bình (37 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An) có 2 con 5 và 7 tuổi đều bị mắc bệnh sởi với biểu hiện sốt cao li bì, phát ban, ăn kém. Hai con của chị ở quê với ông bà nội, mới được nghỉ hè vào chơi với bố mẹ thì dính bệnh, do ông bà đã lớn tuổi nên không có người đưa cháu đi đến cơ sở y tế chích ngừa. Còn bà Ngô Thị Lệ (63 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) cho biết, do ba mẹ làm công nhân, ít quan tâm đến chuyện chích ngừa cho con nên cháu chưa được tiêm vaccine sởi, khi sốt và phát ban đưa vào viện khám phải nằm lại điều trị. 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến hết tháng 4-2019, toàn tỉnh ghi nhận 24 trường hợp mắc sởi, 90 trường hợp nghi mắc sởi, trong khi cả năm 2018 cũng chỉ có 11 trường hợp mắc sởi, 30 trường hợp nghi mắc sởi. Đáng lo ngại, trong số 114 trường hợp mắc sởi và nghi ngờ mắc sởi, có đến 100 trường hợp không tiêm ngừa vaccine phòng bệnh sởi do gia đình thiếu quan tâm đến lịch tiêm phòng của con hoặc do ảnh hưởng từ phong trào tẩy chay vaccine. 

Còn tại Đồng Nai, từ đầu năm 2019 đến nay số ca nhiễm sởi cũng tăng cao với hơn 1.250 ca tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung cao nhất ở TP Biên Hòa (567 ca), Long Thành (149 ca)… đáng lo ngại là số ca mắc bệnh sởi tập trung nhiều ở lứa tuổi 0-5, chiếm tỷ lệ 62,54%.

Người dân còn lơ là

Theo ông Từ Tấn Thứ, Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Bình Dương, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng mạnh là do người dân không đảm bảo chích ngừa cho trẻ theo đúng quy định, nhất là công nhân hay tăng ca, nên không theo dõi được lịch tiêm chủng cho trẻ. Thực tế có tới gần 60% ca bệnh chưa được chích ngừa đúng quy định, số còn lại là các bệnh nhân bị sởi chưa rõ nguyên nhân.

Từ đầu tháng 3-2019, Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã phối hợp Viện Pasteur TPHCM triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vaccine sởi - sởi Rubella trong tiêm chủng mở rộng. Song hoạt động tiêm chủng còn vướng nhiều khó khăn vì người dân còn xem nhẹ việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ. Điển hình là gia đình anh Trịnh Ngọc Quân (SN 1986, ngụ xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) cách TP Đồng Xoài gần 70km, có con gái 10 tuổi, cho biết: “Quần quật suốt ngày trên nương rẫy nên tôi không có thời gian rảnh rỗi, chỉ khi nghe có dịch mới đưa con đi tiêm chủng. Có nhớ đứa cháu tiêm vài lần nhưng không để ý tiêm ngừa bệnh sởi hay bệnh gì”. 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, dù đã có vaccine phòng bệnh sởi nhưng các trường hợp mắc bệnh có đến gần 80% chưa được tiêm phòng vaccine sởi, ngoài nguyên nhân còn một bộ phận người dân thờ ơ và chưa chủ động phòng bệnh cho con em thì còn có nguyên do từ hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine tuyến huyện, xã đã hư hỏng, kinh phí của Trung ương không đủ chi trả, chỉ đạt 70%-80% so với thực tế…

Tin cùng chuyên mục