Vùng đất huyền thoại

Địa danh Rừng Sác - Cần Giờ (TPHCM) từng được coi là “vùng đất chết” trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau 43 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Cần Giờ nay đã thay da đổi thịt. “Vùng đất chết” năm xưa nay phủ đầy màu xanh cho hiện tại và tương lai.

Ký ức một thời

Chúng tôi được trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - trung tá Vũ Đình Bạch (quê Thái Bình) khi ông cùng gia đình từ ngoài Bắc vào thăm lại chiến trường xưa. Sau những giây phút hoài niệm, hồi tưởng về những đồng đội đã ngã xuống, ông Bạch cho biết ông đi B năm 1964, có mặt tại chiến trường Rừng Sác năm 1965; đã đánh Mỹ trên 50 trận. Điều ông và những đồng đội còn sống luôn day dứt, là có trận đang cùng nhau tiến ra trận địa, bất chợt nghe tiếng nói đứt quãng “anh Bạch ơi, em bị cá sấu táp rồi” và thấy bọt nước cuộn trào, máu đồng đội đỏ loang cả một vùng nước. Mọi người nước mắt tuôn trào nhưng đều bất lực, vì phải giữ bí mật, không ai dám nổ súng giải nguy cho đồng đội.

Cần Giờ lúc đó là căn cứ quân sự tiền tiêu của địch, canh phòng cho con đường thủy huyết mạch từ biển Đông vào cảng Sài Gòn. Theo thống kê, nơi đây đã phải hứng chịu hơn 4 triệu lít chất hóa học, 2 triệu tấn bom đạn, làm khoảng 40.000ha rừng ngập mặn bị hủy diệt.

“Vùng đất này khi ấy bom cày, đạn xới, làng mạc bị tàn phá. Người dân nơi đây phải gánh chịu nỗi đau ly tán, mất người thân… Nên khi được tận mắt thấy huyện Cần Giờ chuyển mình như hôm nay, quả là một kỳ tích”, ông Bạch tâm sự.

Trong 9 năm kiên cường bám trụ, bộ đội Rừng Sác đã đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, phá hủy hàng trăm tàu xuồng, loại bỏ khỏi vòng chiến đấu gần vạn tên địch. Những trận đánh trên sông Lòng Tàu, Lôi Giang, Giàn Xây, Vàm Sát, kho xăng Nhà Bè... đã làm kẻ thù khiếp sợ.

Vùng đất huyền thoại ảnh 1 Đường Rừng Sác và rừng ngập mặn huyện Cần Giờ. Ảnh: Thành Trí
Hồi sinh

Ngay sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chính quyền và người dân Cần Giờ đã phát huy truyền thống, cùng nhau chung sức xây dựng lại quê hương. Những bãi đất sình lầy được thay thế bằng những con đường, những cây cầu nối TP với huyện đảo Cần Giờ. Rừng ngập mặn được phủ xanh bạt ngàn của 60 loài thảo mộc như cây đước, cây bần, cây mắm. Về Cần Giờ chỉ mất chừng hơn 1 giờ đồng hồ, đường trải nhựa rộng thênh thang với 6 làn xe, rợp bóng mát khi 2 bên là những cánh rừng, 8 cây cầu được xây mới, chỉ còn phải qua duy nhất một phà là Bình Khánh. Lưới điện quốc gia cũng đã được đưa về Cần Giờ năm 1990.

Cần Giờ hôm nay có cả tỷ phú, triệu phú nhờ làm kinh tế giỏi. Cần Giờ đang có mô hình khá nổi tiếng về nuôi cá mú, ốc hương, tôm thẻ chân trắng ở xã An Thới Đông, xã Long Hòa. Trang trại của ông Lê Văn Huệ (xã An Thới Đông) gần 1ha, ban đầu chỉ là vùng ruộng sình lầy, toàn lau sậy, cây dừa nước um tùm và nhiễm phèn nặng, chỉ nhìn đã thấy ngán. Nhưng ông Huệ quyết tâm làm giàu trên mảnh đất này, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng cải tạo thành vuông tôm, cơ sở hạ tầng đồng bộ, sau đó thả 300.000 con tôm thẻ chân trắng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, hiện cứ khoảng 3 tháng lại cho thu hoạch khoảng 2 tấn tôm. Còn trang trại của ông Huỳnh Văn Mãnh (xã Long Hòa), có diện tích 7.000m², bình quân mỗi ô nuôi cá mú rộng 1.000m², cho thu hoạch 1,5 tấn cá mú/ô, với giá 250 triệu đồng/tấn cá, bình quân ông Mãnh thu về khoảng 2,6 tỷ đồng/năm.

Cần Giờ chuyển dịch theo mô hình nông thôn mới. Năm 2013, xã Lý Nhơn đã đạt 19/19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Nhiều vườn cây ăn trái được đầu tư ở thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa, xã Lý nhơn và một số khu vực ở các xã Bình Khánh, xã An Thới Đông gắn với phát triển du lịch nhà vườn. Các thành phần kinh tế được khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thương mại dịch vụ - du lịch sinh thái được Cần Giờ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Cần Giờ đi lên từ du lịch

Theo quy hoạch, Cần Giờ sẽ trở thành một cực phát triển kinh tế mạnh của TPHCM về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Năm 2017, khách du lịch đến đạt 1,55 triệu lượt (tăng 54% so với năm 2016), doanh thu du lịch đạt gần 621 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú và các dịch vụ đạt hơn 186 tỷ đồng. 8 tháng năm 2018, doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017.

Từ nay tới năm 2020, Cần Giờ phấn đấu mỗi năm đón 1,6 triệu khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 800 tỷ đồng/năm. Để hỗ trợ huyện Cần Giờ, UBND TPHCM đã xây dựng và bàn giao cho huyện quản lý 5 bến thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch gồm: bến Tắc Xuất - Cần Thạnh; bến Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ; bến Trạm Văn phòng phân khu 1; bến Trạm Văn phòng phân khu 2 và bến Khu di tích rạch Giồng Chùa. UBND TP cũng đã chỉ đạo các đơn vị lập phương án, kêu gọi nhà đầu tư dự án cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh vượt sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Khi hoàn thành, cầu Cần Giờ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và là một trong những điều kiện hết sức quan trọng đánh thức tiềm năng du lịch Cần Giờ trong tương lai… “Vóc dáng” đó đang giúp Cần Giờ ngày càng chuyển mình mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục