Vùng đất chẳng thể hư người

Chị - cuối cùng cũng đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn mà chồng năm lần bảy lượt thúc ép. Chị tưởng sau khoảnh khắc đó, tâm can sẽ vỡ ra thành trăm mảnh. Vậy mà mực chưa kịp khô, chị đã nghe lòng nhẹ bẫng. Chẳng đợi đến sáng, chị bình thản xách chiếc túi quê mùa đựng lõng bõng vài bộ quần áo ra bến xe.
Vùng đất chẳng thể hư người

Chị rời ngôi nhà có những món đồ to đến mức phô trương. Phòng tắm to hơn phòng ngủ. Mỗi lần tắm gội xong, chị phải lấy chiếc khăn bông trắng muốt lau đi những vệt nước bắn trên vách ngăn bằng kính mờ. Mẹ chồng từng gọi đó là “vệt quê mùa”. Chị đã im lặng, như sự im lặng nhẫn nhịn lần đầu mẹ chồng lên thăm nhà, buột miệng khen: “Cũng sạch sẽ đó chớ”. Lần ấy, bố không nói, đưa mắt nhìn con gái, ánh mắt như xuyên thấu những nỗi đau lớp lang trong lòng chị.

Hôm nay, chị lại bắt gặp ánh mắt ấy. Thấy con gái về một mình và xách chiếc túi mình mua cho làm quà từ ngày thi đậu đại học, ông đoán ra mọi chuyện. Bố ôm siết lấy vai chị, để chị tựa vào. Khi trời về khuya, ông lặng lẽ ra ngồi ở bậc tam cấp rít thuốc lá. Chiếc đàn ghita nằm cạnh, tắm ánh trăng. Chị nhìn thấy hai bố con của những ngày mình bé dại. Vào những đêm nhớ mẹ, bố sẽ trải chiếu ngoài thềm đánh đàn, chị nằm cạnh, khóc thút thít và rồi ngủ quên. Khi chị ngủ, bố đặt đàn xuống, để đôi tay rảnh rang cho mặt úp vào, chặn lại những giọt nước mắt kìm nén. Bố chỉ khóc nơi bốn bề tĩnh lặng.

Thời mới đặt chân lên vùng đất này, bố mẹ được cấp cho một mảnh đất rộng gần hai hécta. Nhưng con số chỉ là tượng trưng, ai mạnh thì có thể khai hoang, mở rộng tùy ý. Bố mẹ cũng ra sức khai khẩn ngày đêm. Vườn tược khi ấy vẫn còn là cánh rừng âm u, rắn rết, muỗi, vắt lượn như rươi. Bố mẹ dựng tạm ngôi nhà giữa rừng. Đêm đầu tiên ngủ trong ngôi nhà ấy, bố bị bọ cạp đốt, trở dậy rọi đèn pin thấy một con vật sáu chân đen ngòm, to hơn con cua đồng nằm cong đuôi ở góc màn. Ông đau nhức không ngủ được mấy đêm ròng. Chị cũng in hằn hình ảnh một lần mẹ cuốc đất, trúng phải ổ rắn. Cuốc vừa ngập vào đất, bảy tám con rắn túa ra tứ phía, lao vào rừng. Chúng sợ hãi con người chẳng khác nào con người sợ chúng.

Nhưng rừng thiêng nước độc cũng có những lúc bình yên, hiền hòa. Chị vẫn nhớ những buổi sáng sớm tinh mơ, cả đàn thỏ rừng nhảy nhót ở cuối vườn. Thỉnh thoảng, đang làm vườn, mẹ lại gọi chị ra xem cây cơm nguội bị che khuất trong đám cỏ tranh, lúc lỉu chùm trái chín đen nhánh. Trái cơm nguội nhỏ xíu mà thơm lừng, ngọt dịu, ăn chỉ mất công nhả hạt chứ không ngán. Nếu tụ tập với đám bạn cùng xóm, chị cùng chúng trèo lên những ngọn đồi để tìm trái sim chín, măng rừng. Măng hồi ấy hái chơi chơi một buổi chiều cũng được cả gùi mang về phơi nắng. Ở quê, có một hòn núi đá tên là Lubu màu bạc, nằm nổi lên ở giữa cánh rừng già. Ngọn núi nằm ở hướng Đông, nó cao đến nỗi, dù đi hướng nào, người ta cũng nhìn thấy. Bố hay dạy chị, nếu đi lạc, chỉ cần lấy núi Lubu làm chuẩn: “Nhà mình luôn nằm trên đường đi về phía núi”.

Năm ấy, khu vườn được khai hoang dang dở thì mẹ mất. Mẹ cũng mất vì bệnh sốt rét như nhiều người đi kinh tế mới thuở ấy. Xóm chưa có nghĩa địa, bố đau buồn để mẹ nằm lại ở cuối vườn, cạnh một vạt rừng chưa khai hoang. Bố giữ lại vạt rừng có mấy cây cơm nguội mẹ tìm thấy, như một gia tài cho tuổi ấu thơ của con gái từ nay sẽ thiếu thốn tình mẫu tử. Từ ngày mẹ mất, chị tha thẩn ở vạt rừng gần nơi mẹ yên nghỉ, trốn bố ngồi khóc dưới gốc cây cơm nguội. Vạt rừng như một thế giới thu nhỏ, bao dung những bí mật của chị.

Sau này lớn lên, đi học xa nhà, chị gặp anh - gã trai lớn lên ở thành phố, không biết cây chuối trông thế nào, cứ há hốc miệng kinh ngạc và phấn khích khi nghe chị kể chuyện về rừng. Anh lúc ấy đang tìm cách lấy lòng chị, nài nỉ xin theo chị về quê. Chị hào hứng dẫn anh ra vạt rừng phía sau nhà. Anh vừa đi vừa đập muỗi, thỉnh thoảng lại hét lên khi nghe tiếng rục rịch trong đám cỏ tranh: “Em! Rắn kìa, phải rắn không?”. Tối, anh yên tâm ngồi ngoài thềm cùng chị nghe tiếng dế kêu sau khi đã kỹ lưỡng bôi một lớp kem chống muỗi dày cộm. Anh nhìn quanh, bốn bề tĩnh mịch, chẳng một quán xá: “Em lớn lên ở đây thì làm gì mà hư người được”. Chị cười, nghĩ rằng đó là một lời khen.

Sau này, khi đã cưới nhau, mỗi lần nghe chị nhắc về quê, anh ráo hoảnh: “Ui, về đó chán chết, toàn muỗi”. Anh chế nhạo mỗi lần chị dùng máy tính làm việc: “Ở rừng chắc em gọi cái này là tivi nhiều nút nhỉ?”. Mẹ chồng hà khắc luôn sợ chị làm hỏng những món đồ điện tử hiện đại, đắt tiền trong nhà: “Cái này không như ở quê đâu con nhé!”. Chị cảm thấy ngột ngạt ở ngôi nhà rộng thênh thang mà chẳng một bóng cây ấy. Một lần về quê, chị mang xuống thành phố những hạt cây cơm nguội. Chị gieo chúng ở ban công, hồi hộp chờ đợi hạt nảy mầm. Nhưng hạt cứ khô khốc, héo mòn dần.

Chị như một kẻ lạc lõng giữa phố phường, mong chờ sự xuất hiện của một người bạn ở nơi này, dù đó là cái cây hay một đứa trẻ. Chồng chị luôn né tránh ý niệm con cái. Trong một lần say khướt, anh than thở mình cô độc, chê vợ nhạt nhẽo, người rừng nên không biết bar pub, không “đi chill” với đám bạn ruột chất lừ của anh. “Có vợ như không”, anh lẩm bẩm, trước khi chìm vào giấc ngủ. Chị rớt nước mắt, nửa thấy thương người đàn ông này, nửa thấy xót chính mình. Đêm ấy và những đêm anh đi chơi xuyên đêm không về, ngọn núi Lubu màu bạc và tiếng đàn ghita cứ ẩn hiện trong giấc ngủ chập chờn của chị.

Bố không ngạc nhiên khi thấy chị trở về. Dường như, ngay từ đầu, ông đã dự cảm được cuộc hôn nhân lạnh lẽo này. Nhưng ông tôn trọng tình yêu của con, và để chị tự chọn ngã rẽ quan trọng trong đời. Chị trải chiếu ngoài thềm nghe bố đánh đàn rồi chìm vào giấc ngủ sâu sau bao đêm mất ngủ nơi thị thành. Sáng, chị bị đánh thức bởi những tia nắng xuyên qua kẽ lá còn đọng sương. Dõi theo tia nắng, mặt trời màu cam ấm áp đã ló rạng trên đỉnh Lubu, phía dưới là núi đồi trùng điệp, xanh thẳm. Cảnh tượng đẹp như một bức tranh.

Gương mặt chị bình yên, khẽ mỉm cười, nhớ lời bố dặn dò thuở nhỏ: “Nhà mình luôn nằm trên đường về núi”. Núi Lubu màu bạc, ở phía Đông, nơi mặt trời kiểu gì cũng mọc.

Tin cùng chuyên mục