Vùng biển của hòa bình và thương mại

Ngày 17-7, 2 tàu sân bay của Hải quân Mỹ tiến hành cuộc tập trận hiếm hoi ở Biển Đông. Đây là lần thứ hai trong tháng này, các tàu chiến và tàu sân bay của Mỹ tập trận ở Biển Đông. Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục bày tỏ ủng hộ tự do hàng hải ở khu vực này.
Nhóm tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông ngày 17-7. Ảnh: Twitter của Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ
Nhóm tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông ngày 17-7. Ảnh: Twitter của Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự

Theo CNN, 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng các tàu tuần dương và tàu khu trục hộ tống mang theo 12.000 nhân viên quân sự Mỹ đã tham gia tập trận đợt hai ở Biển Đông kể từ ngày 17-7.

CNN dẫn tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, 2 tàu sân bay, với hơn 120 máy bay đang thực hiện các cuộc tập trận phòng không chiến thuật “để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu và sự thành thạo”.

Theo tuyên bố, các tàu ở mức độ sẵn sàng cao nhất nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng với mọi tình huống bất ngờ. Sự hiện diện của tàu Nimitz và Ronald Reagan ở Biển Đông đã đánh dấu lần đầu tiên 2 tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng nhau ở khu vực này kể từ năm 2014. 

Trung Quốc phản ứng gay gắt với sự hiện diện của các tàu sân bay Mỹ trong khu vực. Trước đó, nước này đã ra tuyên bố chủ quyền trái phép gần như toàn bộ Biển Đông. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng.

Chuẩn Đô đốc Jim Kirk, chỉ huy tàu sân bay Nimitz, tuyên bố: “Các nhóm tàu tấn công cùng tàu sân bay Nimitz và Reagan đang hoạt động ở Biển Đông, hay bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, để củng cố cam kết của chúng tôi đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, theo trật tự quốc tế”.

Cũng theo tuyên bố của Chuẩn Đô đốc Jim Kirk, sự hiện diện của 2 tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông không phải là phản ứng với bất kỳ sự kiện chính trị cụ thể nào, mà là một phần của hội nhập thường xuyên để thực hiện và phát triển khả năng tương tác chiến thuật.

Ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông

 Phát biểu tại cuộc họp báo hàng tuần, trả lời câu hỏi về lập trường của Ấn Độ sau khi Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhấn mạnh, New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trên các tuyến đường thủy quốc tế.

Ông Srivastava nói: “Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của mình về Biển Đông trong nhiều dịp trước đây, mới đây nhất là vào ngày 21-5-2020. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Biển Đông là một phần của các lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích gắn chặt với hòa bình và ổn định trong khu vực này. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”. 

Tuyên bố của Ấn Độ được đưa ra sau khi Australia, quốc gia chủ chốt khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ “rất mạnh mẽ” tự do hàng hải trên Biển Đông. 

Ngoại trưởng Malaysia Hishamuddin Hussein ngày 16-7 khẳng định, nước này nhất quán lập trường rằng các bên cần hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Về quan điểm của Malaysia đối với tuyên bố ngày 13-7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên quan đến tình hình Biển Đông, ông Hishamuddin nhấn mạnh, Malaysia sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển của hòa bình và thương mại.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo nước ngoài tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 16-7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông. Ngoại trưởng Retno nhấn mạnh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông là “hy vọng của mọi quốc gia”, nêu rõ việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982, là mấu chốt để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định.

Tin cùng chuyên mục