Vui chơi, giải trí ngày đầu năm mới 2021: Đông vui, an toàn phòng dịch

Khác với dự đoán trước đó về sự vắng vẻ do lo ngại dịch Covid-19, trong ngày Tết Dương lịch 1-1, lượng khách đổ ra đường, tìm đến các khu vui chơi giải trí tăng cao.
Rất đông người dân TPHCM và du khách tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào ngày 1-1-2021. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Rất đông người dân TPHCM và du khách tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn vào ngày 1-1-2021. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Các khu vui chơi đông khách

25.000 lượt khách đổ về Thảo cầm viên Sài Gòn tính từ buổi sáng đến 17 giờ ngày 1-1. Đây là con số được Ban Giám đốc Thảo cầm viên Sài Gòn đưa ra sau khi khẳng định các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc tại đây. Với giá vé không tăng so với năm rồi (50.000 đồng/vé với người lớn và 30.000 đồng/vé với trẻ em), cộng hưởng những lời kêu gọi từ năm cũ về “giải cứu” Thảo cầm viên, nhiều gia đình chọn nơi đây là điểm đến vui chơi đầu năm.

Trong khi đó, ông Huỳnh Đồng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch văn hóa Suối Tiên, cho biết, trong ngày 1-1, Suối Tiên chào đón gần 10.000 khách tham quan, dù có sụt giảm so với năm trước, nhưng vẫn là tín hiệu vui cho công tác tổ chức phục vụ du khách sau 1 năm quá đỗi khó khăn. Tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, từ chiều tối 31-12-2020 cho đến tối 1-1-2021 đã tiếp đón gần 20.000 khách đến vui chơi giải trí, xem bắn pháo hoa, thưởng thức công trình nhạc nước quy mô, hiện đại. Ông Dư Hữu Danh, Giám đốc Công viên Văn hóa Đầm Sen, cho biết, để phục vụ 3 ngày nghỉ lễ, Đầm Sen nghiêm túc thực hiện công tác sát khuẩn toàn công viên. Tất cả cán bộ, nhân viên và du khách đều được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang thường xuyên để đảm bảo an toàn cộng đồng.

Chiều 1-1, tại sân vận động Phú Nhuận (TPHCM), rất đông khán giả chứng kiến sự kiện xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam biểu diễn trống Jazz nhiều nhất với sự tham gia của hơn 80 tay trống hàng đầu từ khắp các tỉnh thành cả nước. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Chạm âm nhạc - Sạc cuộc đời do Touch Music Center - nơi đào tạo nhạc cụ theo chuẩn Anh quốc đầu tiên tại TPHCM tổ chức.

Ở khu vực trung tâm TPHCM, các trung tâm mua sắm trang trí tiểu cảnh rực rỡ mừng năm mới, thu hút đông khách ra vào check-in, mua sắm, nhất là giới trẻ. Tại khu vực trò chơi của Trung tâm Thương mại Saigon Center, bạn Nguyễn Khánh Huyền (20 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi không có kế hoạch đi du lịch nên cả nhà rủ nhau đi dạo trung tâm thương mại và mua sắm quần áo cho năm mới. Tôi nghĩ không nhất thiết lễ, tết nào cũng đi chơi xa, thỉnh thoảng đến những nơi như thế này cũng đủ vui và thư giãn”.

Khu vực ngoại thành cũng được khá nhiều người lựa chọn trong dịp nghỉ lễ này. Hoãn lại chuyến du lịch miền Tây Nam bộ, gia đình anh Chí Hoàng (42 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chọn “Cánh đồng hoa” (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) để tham quan. “Không đi xa được thì đi gần, lâu lâu ra khu vực ngoại thành không khí trong lành, yên tĩnh cũng hay hay. Ở đây nhiều hoa, rồi trang trí tiểu cảnh nên mấy đứa nhỏ nhà tôi thích lắm vì nhiều chỗ để chụp hình”, anh Hoàng cho biết.

Sôi động sách, phim, sân khấu

Khác với ngày thường, dịp Tết Dương lịch, các gian hàng tại Đường sách TPHCM đều mở cửa sớm hơn. Ngay trong ngày đầu năm mới, cũng là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ dài 3 ngày, rất nhiều gia đình từ các quận, huyện đã cùng nhau đến Đường sách. Theo đại diện Đường sách TPHCM, ước tính có khoảng hơn 5.000 lượt khách đến Đường sách vào ngày 1-1. Ngoài sách mới được chiết khấu 10%-20% giá bìa, các gian hàng còn có những chính sách riêng để kích thích độc giả mua sách. Một số gian hàng như NXB Tổng hợp giảm 20%-30% giá bìa cùng các loại sách đồng giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng. NXB Phụ nữ giảm 40% giá bìa, NXB Trẻ giảm từ 10%-50%, Saigon Books giảm 40%, NXB Kim Đồng giảm từ 15%-50%...

Vui chơi, giải trí ngày đầu năm mới 2021: Đông vui, an toàn phòng dịch ảnh 1 Khách tham quan mua sắm ở Đường sách TPHCM
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tiến (64 tuổi) cùng gia đình vào TPHCM du lịch. Sau khi đi tham quan một số địa điểm của TPHCM, ông và gia đình đến Đường sách TPHCM để được trải nghiệm không gian mà ông được nghe nhắc lâu nay. Ông Tiến nói: “Đường sách là địa điểm của văn hóa tri thức nhưng cũng là địa điểm của du lịch văn hóa. Đây cũng là không gian có ý nghĩa, nhất là đối với giới trẻ, từ đó giúp họ có thể tìm hiểu văn hóa không những Việt Nam mà cả thế giới”.

Từ 10 giờ sáng ngày 1-1, cụm rạp CGV Vạn Hạnh Mall đã có lượng khách đều đặn đến xem những suất chiếu đầu tiên trong ngày. Nhiều học sinh, sinh viên đi theo nhóm, đặc biệt có khá đông các gia đình gồm ông bà, bố mẹ đưa theo con nhỏ đến xem phim. Dịp lễ năm nay, có nhiều lựa chọn cho cả gia đình, như phim hoạt hình: Nobita và những bạn khủng long mới, Kỵ sĩ cưỡi rồng, Soul: Cuộc sống nhiệm màu... Tại cụm rạp Cinestar Quốc Thanh (271 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1), lượng khách cũng khá ổn định, nhiều khách xếp hàng mua vé ngay trong buổi sáng. Ở một số cụm rạp khu vực trung tâm: Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1), Cinestar Hai Bà Trưng (135 Hai Bà Trưng, Bến Nghé, quận 1), DCINE Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, Bến Nghé, quận 1) theo quan sát, lượng khán giả trong buổi sáng chưa đông nhưng đến chiều tối, lượng khách tăng dần.

Tính đến 17 giờ chiều ngày 1-1, theo chuyên trang phòng vé Box Office Vietnam, đứng đầu doanh thu phòng vé trong ngày là Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử đạt gần 5 tỷ đồng. Các phim: Thợ săn quái vật, Soul: Cuộc sống nhiệm màu, Nobita và những bạn khủng long mới… lần lượt vượt mốc doanh thu 1 tỷ đồng. Với sân khấu kịch nói, tại IDECAF và Thế Giới Trẻ, các suất diễn trong ngày đều “cháy vé”.

Sáng 1-1, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức tái hiện lễ Ban Sóc tại Ngọ Môn (cổng chính Hoàng thành Huế) để du khách cùng người dân trải nghiệm với di sản cố đô Huế trong ngày đầu năm mới. Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, cho biết, Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Lễ Ban Sóc được tổ chức thực sự quy mô là vào đầu triều Minh Mạng. Hàng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng. Cũng trong sáng cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tổ chức khai trương không gian Ngọ Môn phục vụ khách du lịch.

Sáng cùng ngày, 40 nghệ sĩ kèn thuộc Dàn nhạc kèn Huế quy tụ về nhà kèn Huế (công viên 3-2 TP Huế) để cùng hòa nhạc mừng năm mới 2021. Đây cũng là dịp để Dàn nhạc kèn Huế lần đầu tiên ra mắt công chúng và cùng biểu diễn, qua đó từng bước khôi phục lại nhạc kèn Huế đã có lịch sử hình thành từ 100 năm trước.

Tin cùng chuyên mục