Vui buồn khi đi khám bệnh từ thiện

Tham gia hoạt động thiện nguyện, nhiều đoàn bác sĩ, y tá đang công tác tại các bệnh viện, phòng khám ở TPHCM đã đi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Qua những chuyến đi đã có nhiều kỷ niệm vui buồn…
Các học sinh vùng sâu tỉnh Kiên Giang lựa kính do đoàn khám bệnh từ thiện của Hội Mắt kính TPHCM tặng
Các học sinh vùng sâu tỉnh Kiên Giang lựa kính do đoàn khám bệnh từ thiện của Hội Mắt kính TPHCM tặng

1. Đoàn bác sĩ Hội Chữ thập đỏ quận 3 đến khám bệnh, cấp phát thuốc, tặng quà cho đồng bào dân tộc Ja rai, Ba na ở xã Buôn Triết, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Đến nơi, hơn 7 giờ, trời đã gay gắt nắng. Bà con đứng ngồi chật kín sân UBND xã. Các thành viên trong đoàn nhanh chóng đưa máy móc, thuốc men và quà tặng xuống xe, chuyển về hội trường. Đúng 7 giờ 30 phút, các thầy thuốc tiến hành công việc. 

Nghe tiếng trẻ ê a đánh vần tại nhà trẻ gần UBND xã Buôn Triết, ông Huỳnh Công Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 3, trưởng đoàn, liền mang túi bánh kẹo qua điểm trường, phát quà tận tay cho các bé. Ánh mắt bé nào cũng sáng rỡ. Nhận quà xong, lớp như ong vỡ tổ, các bé vừa chạy ra khỏi lớp vừa reo hò. Cô hiệu trưởng phải 2 tay nắm giữ 2 đứa nhỏ, vừa thở vừa nói: “Lúc nãy, tụi em quên báo cho anh biết. Có tặng quà thì gửi cho trường để đến lúc ra về tụi em sẽ chia cho các cháu. Mấy đứa nhỏ ở đây ngộ lắm! Hễ nhận được quà là tụi nó hớn hở bỏ chạy ngay về nhà để… khoe với cha mẹ”. Hay chuyện, các thành viên trong đoàn ai cũng xúc động, chút quà nhỏ đơn sơ nhưng cũng mang niềm vui đầy ắp đến với các bé dân tộc thiểu số vùng cao. 

2. Một lần, đoàn các thầy thuốc đến làng phong Ia H’long (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Dù khởi hành rất sớm, nhưng do đường xuyên rừng khó khăn, cách trở, nên gần 8 giờ mới đến được điểm khám bệnh. Nhiều người bệnh đứng ngồi lố nhố ở ngoài sân chờ đoàn. Trời nắng gay gắt, nhiều người tập trung ở bóng mát của cây hay vào nhà bạt, vậy mà có ông cụ bị bệnh phong, mù cả hai mắt vẫn ngồi ngoài sân, không chịu vào nhà. Các thành viên trong đoàn đến mời cụ vào, nhưng nói gì cũng không chuyển. Một đoàn viên của xã đi ngang, thấy vậy liền nói nhỏ: “Ông cụ người dân tộc thiểu số, các chú nói tiếng Kinh, ông đâu có hiểu”. Bị bệnh phong đâu còn cảm giác nóng lạnh, nên cụ cứ ngồi ngoài nắng, các thầy thuốc liền mời cụ vào khám ưu tiên. Mọi người trong đoàn nhìn nhau nói nhiều người bệnh khổ quá, càng thấy việc thiện nguyện của mình là việc rất có ý nghĩa, nên làm. 

3. Người dân tộc thiểu số rất chất phác, thật thà. Có giấy mời đi khám bệnh, nhận quà là cả gia đình gác lại việc nương rẫy, đi bộ cả chục cây số đến địa điểm tập trung. Dù nắng gắt, họ cứ thế ngồi sắp hàng, chờ gọi tên. Các bác sĩ giỏi ngoại ngữ nhưng không thể nào đọc đúng tên bà con, nên cầm cả chục phiếu khám bệnh, gọi tên cả chục lần, mà không thấy ai bước vô. Thí dụ tên viết là Cư M’ga mà đọc Cư-mờ-ga là sai, gọi đúng phải là Cư-mờ-nga. Các bác sĩ lúng túng, phải nhờ các công an viên, xã đội, đoàn thanh niên… gọi giùm. Nghe gọi đúng tên, bà con đứng dậy vô rần rần. Khám bệnh xong, nhận quà, bà con cũng không vội về, mà ra sân mở ra xem.

Chỗ khám bệnh cách quốc lộ 14 hơn 20km, nhưng nơi đây vẫn là vùng sâu vùng xa vì hộp sữa giấy vẫn là thứ gì đó rất lạ lẫm với các cháu nhỏ. Mấy cháu cầm hộp sữa lắc lắc, rồi cắn, xé hộp và tu ừng ực có vẻ thích thú. Rồi mỗi đứa chia nhau một gói mì tôm, cứ thế mà nhai, không cần mang về trụng nước. Lo nhất là mấy đứa thấy hộp cốm thuốc bổ, vội moi, trút ra nhai. Các bác sĩ phát hiện, phải vội vàng rượt theo bắt tụi nhỏ uống nhiều nước để giải bớt. Ai cũng vừa buồn cười vừa se lòng khi thấy đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

4. Dân vùng sâu ĐBSCL cũng rất chất phác, thật thà. Lần đó, đoàn của Hội Mắt kính TPHCM đến khám mắt, cấp mắt kính miễn phí cho bà con ở huyện Vàm Rầy (tỉnh Kiên Giang). Sau khi đo mắt, ông Sáu Kỹ đến khu vực chọn mắt kính, thấy cái kính gọng đồi mồi đẹp quá, ông Sáu Kỹ chọn ngay. Đeo mắt kính vào, cầm tờ báo SGGP đọc, ông Sáu Kỹ khoái chí cười khà khà: “Rõ lung linh tụi bây ơi! Vậy là từ đây tao không còn phải nhíu con mắt lại để lặt rau, làm cá, đọc báo”.

Chưa đầy mười phút sau, ông Sáu Kỹ trở lại. Chưa thấy mặt người đã nghe thấy tiếng ông la oang oang: “Tụi mày có đưa lộn hay đổi kính của tao không? Hồi nãy thấy rõ, sao bây giờ chói lòa. Chạy ngoài đường xém bị xe đụng”. Cầm tờ giấy khám bệnh, ông Lê Văn Bồng, Phó Chủ tịch Hội Mắt kính TPHCM, lấy thêm một mắt kính khác và giải thích cho ông Sáu Kỹ: “Người lớn tuổi thường bị cận và viễn. Đại để là nhìn xa cũng mờ mà gần cũng không tỏ. Cái này là kính viễn dùng để đọc báo mà. Còn đây mới là kính đi đường. Ông phải nhớ đeo đúng kính mới có tác dụng”. Ông Bảy vui mừng, hân hoan cảm ơn các bác sĩ. Thông thường mỗi người được tặng một cái kính, nhưng trường hợp này thì… vui vẻ chiều thôi.

Tin cùng chuyên mục