Vừa mừng vừa lo

Một trong những thay đổi lớn nhất và cũng là bước tiến đáng kể của Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được Chính phủ công bố chính là việc phân cấp cho địa phương tổ chức các hội đồng cấp giấy phép thẩm định và phân loại phim. 

Việc có nhiều hơn một hội đồng thẩm định phim được nhận định là phù hợp với tình hình phát triển của điện ảnh, song, việc thành lập các hội đồng này như thế nào, hoạt động ra sao cho hiệu quả cũng là bài toán khó.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2023, quy định rõ Bộ VH-TT-DL cấp giấy phép phân loại phim phổ biến trong rạp chiếu phim; tại địa điểm chiếu phim công cộng; trên không gian mạng trong một số trường hợp; tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam… UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ VH-TT-DL và giấy phép phân loại này có giá trị trên toàn quốc. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL thành lập hội đồng thẩm định, phân loại phim của bộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố thành lập hội đồng của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Quy định này sẽ giảm tải “trách nhiệm” của hội đồng thẩm định phim truyện cấp trung ương, đồng thời tăng quyền thực thi và giám sát cho cơ sở. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây cũng là thách thức lớn. Năng lực, kinh nghiệm của các địa phương trong lĩnh vực này còn rất mới mẻ, mỗi địa phương khác nhau, đội ngũ cán bộ văn hóa cũng không đồng đều.

Cụ thể như ở Hà Nội, TPHCM… nơi có hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động thì đội ngũ cán bộ văn hóa sẽ hoàn thiện và nhiều kinh nghiệm hơn địa bàn vùng sâu, vùng xa. Làm sao tạo ra được mặt bằng chung, tiêu chí chung để không dẫn đến tình trạng cửa này rộng hơn, cửa kia hẹp hơn khi thực thi từng quy định sẽ là bài toán khó với cơ quan quản lý. Dư luận cũng lo ngại về khả năng thẩm định của hội đồng địa phương, nhất là trước các tác phẩm điện ảnh gai góc, liệu hội đồng có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để tạo thành một tấm lọc đủ mạnh? 

Thực tế, các chương trình nghệ thuật đã từng phân cấp thẩm định cho địa phương và xảy ra hiện tượng nhiều bầu show “né” bằng cách xin cấp phép biểu diễn ở những địa phương dễ, thoáng… Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, chỉ các tỉnh, thành hội đủ điều kiện về nhân lực, trình độ mới được bộ chấp thuận thành lập hội đồng thẩm định, phân loại phim. Bộ VH-TT-DL sẽ soạn thảo nghị định và thông tư đi kèm để đưa ra tiêu chí cụ thể hơn; công tác thẩm định, phân loại phim sẽ do địa phương tự chịu trách nhiệm… Chỉ còn 6 tháng nữa là tới thời điểm Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực, nếu không sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thì việc đưa luật vào cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tin cùng chuyên mục