Vụ trẻ em bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân: Nghi ngờ Adenovirus đột biến gây ra

Ngày 8-5, trước việc nhiều nước trên thế giới đang ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại về việc trẻ em bị viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, Bộ Y tế cho biết, qua giám sát đến nay, Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc căn bệnh viêm gan này nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập rất lớn. 

Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường. 

Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), qua các thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số nghiên cứu khoa học, dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn trên nhưng nhiều nghi ngờ cho rằng căn bệnh này do Adenovirus gây ra. “Tuy nhiên, căn bệnh viêm gan cấp tính này chưa hoàn toàn chắc chắn do Adenovirus gây ra mà có thể do chủng đột biến nên dựa vào các kỹ thuật thông thường thì khó có thể “bắt” được đây là Adenovirus. Vì vậy cần đợi thêm thông tin từ các chuyên gia trên thế giới tìm hiểu để xem căn bệnh viêm gan này do virus gì, tác nhân gì, có xuất hiện tình trạng đột biến hay không. Từ đó mới có đoạn gene đặc hiệu để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân chính xác của bệnh”, bác sĩ Huyền chia sẻ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì nên cho trẻ đi khám để xem trẻ có tổn thương gan hay không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ; chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân cho trẻ như sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín, uống chín.

Theo WHO, trong khi chờ xác định nguyên nhân thật sự gây ra dịch viêm gan cấp mới ở trẻ em, các biện pháp phòng ngừa phổ quát đối với Adenovirus và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác là rửa tay thường xuyên và vệ sinh đường hô hấp. Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như đường hô hấp, đường tiêu hóa, mắt… nhất là với trẻ em. Trong số các nhóm virus gây bệnh, Adenovirus là nhóm B có khả năng gây bệnh nhiều và thường gặp nhất.

Tin cùng chuyên mục