Vụ tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước bỏ mặc sai phạm tại VNCB: Giám sát thiếu hiệu quả

Ngày 26-6, phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đặng Thanh Bình cùng các đồng phạm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bước sang ngày làm việc thứ hai. 
Bị cáo Đặng Thanh Bình tại phiên tòa.
Bị cáo Đặng Thanh Bình tại phiên tòa.
Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa, bị cáo Đặng Thanh Bình tiếp tục phủ nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã quy kết.
Bị cáo Bình cho biết ngoài nhiệm vụ được giao là Phó Thống đốc NHNN, bị cáo còn phụ trách quản lý Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế đồng thời kiêm thêm nhiều công việc khác. Bị cáo khẳng định với chức trách, nhiệm vụ được giao, căn cứ vào các quy định, bị cáo đã thực hiện đúng, đầy đủ và tuân thủ theo chỉ đạo của lãnh đạo NHNN.
“Trong quá trình chỉ đạo và tham gia chỉ đạo tái cơ cấu ngân hàng thì tôi đã làm đúng. Việc tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, khó khăn nên bao giờ cũng đưa ra tập thể để cùng nhau kết luận, thống nhất. Bản thân tôi và cả Thống đốc cũng không có quyền quyết định trong những vấn đề quan trọng”, bị cáo Bình trình bày khi được hỏi về việc càng tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt TrustBank, sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - viết tắt VNCB) càng lỗ.
Bị cáo cho rằng chỉ chịu trách nhiệm chính trị vì là lãnh đạo, là đảng viên nhưng không hoàn thành nhiệm vụ chính trị (phương án tái cơ cấu VNCB bị đổ vỡ - PV) mà Đảng và Nhà nước đã giao. Về trách nhiệm đối với sự thất thoát tài sản xảy ra tại VNCB, theo bị cáo Bình là có trách nhiệm của Tổ giám sát, NHNN chi nhánh tỉnh Long An, Cơ quan Thanh tra giám sát; bị cáo chỉ chịu trách nhiệm quản lý chung, trừ những trường hợp Cơ quan Thanh tra giám sát có đề xuất cụ thể, xin ý kiến nếu vượt thẩm quyền của Cơ quan Thanh tra giám sát.
Đối với phần trình bày trên, công tố viên giải thích rằng cáo trạng truy tố bị cáo Bình cùng các đồng phạm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nghĩa là làm không hết trách nhiệm chứ không phải là tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo là thành viên của Tổ giám sát hoạt động tại VNCB cũng trình bày nguyên nhân, hoàn cảnh khiến hoạt động giám sát thiếu hiệu quả, dẫn đến Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VNCB) cùng đồng phạm thực hiện một loạt hành vi nhằm rút tiền của VNCB để sử dụng, gây thiệt hại cho VNCB.
Theo bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh tỉnh Long An), Quyết định số 12/QĐ-NHNN.m của NHNN về việc thành lập và hoạt động Tổ giám sát tổ chức và hoạt động TrustBank không kèm theo hướng dẫn, quy trình xử lý, những việc cần làm tại đơn vị giám sát. “Có những cái không phù hợp với tổ giám sát, chúng tôi chỉ giám sát theo các quy định của ngành ngân hàng, do đó chỉ giám sát thông qua kết quả báo cáo chứ không thể thanh tra, giám sát tại đơn vị.
Ngoài ra, Tổ giám sát không được quyền nghiên cứu, xác minh các đơn vị bên ngoài. Điều này trong từng báo cáo, kiến nghị tổ Giám sát đã báo cáo rất rõ”, bị cáo Lê Văn Thanh khai. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý, việc đi lại mất nhiều thời gian vì các bị cáo làm việc tại tỉnh Long An nhưng Tổ Giám sát lại hoạt động tại TPHCM cũng ảnh hưởng đến kết quả công việc. 
Tại phiên tòa, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết trong báo cáo của Tổ giám sát VNCB thì có báo cáo số 78 ngày 16-8-2014 có nêu một số dấu hiệu vi phạm của VNCB. Ngay sau khi nhận được báo cáo này thì Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã có tham mưu và Thống đốc NHNN ra văn bản chỉ đạo VNCB lập tức thu hồi các khoản tiền liên quan.
Đồng thời, Thống đốc NHNN chỉ đạo cần tăng cường giám sát VNCB. Tuy nhiên, kết quả đã thu hồi được hay chưa thì đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát không nắm được. Qua phần thẩm vấn, công tố viên cho rằng có nhiều vấn đề liên quan đến ông Nguyễn Hữu Nghĩa (Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN) cần được làm rõ, đề nghị hội đồng xét xử triệu tập ông Nghĩa đến tòa. Tuy nhiên, hội đồng xét xử cho rằng việc triệu tập cá nhân ông Nghĩa là không cần thiết; còn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN sẽ xem xét sau.
Hôm nay 27-6, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Tin cùng chuyên mục