Vụ thổi giá kit xét nghiệm Covid-19: Vẫn chưa rõ trách nhiệm

Chiều 21-12, Bộ Y tế đã có thông tin phản hồi về những vấn đề dư luận quan tâm xung quanh vụ án vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và nhiều đơn vị, địa phương có liên quan.

Lý giải về việc cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á, Bộ Y tế cho biết, thực hiện Quyết định số 489/QĐ-BKHCN ngày 2-3-2020 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 3-3-2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài độc lập cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” đã họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 2 bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit).

Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á. 

Vụ thổi giá kit xét nghiệm Covid-19: Vẫn chưa rõ trách nhiệm ảnh 1

Căn cứ vào ý kiến của Hội đồng nói trên, kết quả đánh giá đáp ứng về độ nhạy và độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả xác nhận cơ sở sản xuất của công ty đã đạt tiêu chuẩn ISO 13485:2016 do Tổ chức Bureau Veritas cấp (đây là tổ chức đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận) và theo các quy định của nhà nước, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm nói trên trong thời hạn 6 tháng vào ngày 4-3-2020 để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc.

“Việc cấp phép này đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu xét nghiệm tại thời điểm rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn cung ứng sinh phẩm trên thế giới”, Bộ Y tế nêu rõ và cho biết tới ngày 4-12-2020 tiếp tục có quyết định cấp phép lưu hành 5 năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit của Công ty Việt Á.

Liên quan tới việc bộ sản phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á chưa được WHO công nhận nhưng vẫn được cấp phép sử dụng, Bộ Y tế cho biết, đối với danh mục các sinh phẩm do WHO công bố và đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), các công ty mong muốn sản phẩm của mình được đưa vào danh sách của WHO thì nộp hồ sơ đề nghị WHO xem xét. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, tổ chức đều xây dựng tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm khác nhau về việc chấp thuận lưu hành sinh phẩm. Các công ty có nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo quy định của từng tổ chức, quốc gia đó.

“Do vậy, việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Vụ thổi giá kit xét nghiệm Covid-19: Vẫn chưa rõ trách nhiệm ảnh 2

Đối với vấn đề giá sinh phẩm xét nghiệm và việc đấu thấu, Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng. Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường triển khai thực hiện việc công khai giá trang thiết bị y tế và công khai kết quả trúng thầu. Hiện tại, trên Cổng công khai giá trang thiết bị y tế đã có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán (giá niêm yết theo quy định của Luật giá), có trên 60.000 mặt hàng trang thiết bị y tế công khai giá  và 93.253 kết quả trúng thầu.

Cùng thời điểm, Công ty Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm, thì Công ty CP Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP có giá 385.000 đồng/sản phẩm, Công ty Ampharco U.S.A có giá 179.800 đồng/sản phẩm; có 15 sản phẩm PCR nhập khẩu đã được cấp phép đăng ký và niêm yết giá từ 280.000 đồng đến 600.000 đồng/sản phẩm. Thông tin này đã được công khai trên Cổng công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Bộ Y tế nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch ở Việt Nam được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương chủ động mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn theo các quy định của pháp luật về đấu thầu. Bộ Y tế cũng đã có các công văn gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, nghiêm cấm việc tăng giá hoặc đầu cơ, tích trữ và nghiêm túc thực hiện việc cập nhật, rà soát, công khai minh bạch về giá trên Cổng điện tử công khai giá. Đồng thời chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định. 

Đối với những vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng dịch, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh trong công tác mua sắm, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị phòng chống dịch, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm. Do đó, việc nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 20-12-2021, Bộ Y tế đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) tương tự như sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (bao gồm 7 sinh phẩm sản xuất trong nước và 39 sinh phẩm nhập khẩu).

Tin cùng chuyên mục