Vụ mang máy đào tôn tạo tháp Chăm ngàn năm tuổi: Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan

Liên quan đến dự án tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (Tuy Phước, Bình Định) hiện còn nhiều thông tin cần được làm rõ. Dư luận mong muốn chính quyền Bình Định thể hiện rõ quan điểm trong việc bảo tồn di tích tháp cổ Chăm ngàn năm tuổi, đồng thời làm rõ trách nhiệm các bên, xử lý trách nhiệm về việc tùy tiện trong thi công, xây dựng tháp Bánh Ít.

Nhiều nội dung chưa rõ

Liên quan đến dự án tôn tạo, tu bổ và phát huy di tích tháp Bánh Ít mà Báo SGGP liên tục phản ánh, nhiều chuyên gia tiếp tục gửi đến các câu hỏi xoay quanh các nội dung, như: Vì sao nhà thầu xây hàng gạch quanh các chân tháp Hỏa, tháp Chính để làm bồn hoa? Quá trình thi công đào trúng mảnh tượng (nghi cổ vật) tại khu vực tháp Chính, tại sao chủ đầu tư không báo cáo với cơ quan thẩm quyền để tiếp tục thi công? Ai chủ trương huy động cơ giới, máy đào san bạt, đào bới ở khu vực cụm tháp? Hồ sơ pháp lý, năng lực đơn vị tư vấn, giám sát, thi công đủ điều kiện tôn tạo, trùng tu di tích hay không?… Các nội dung này hiện vẫn chưa được các đơn vị chức năng liên quan làm rõ.

Ông Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Bình Định, cho rằng, việc đóng bê tông, làm hàng gạch dưới chân tháp Chính, tháp Hỏa là rất phản cảm, thiếu hiểu biết, làm mất giá trị di tích cũng như quá trình tưới nước trồng hoa sẽ xói mòn chân tháp.  

Xin… rút kinh nghiệm

Từ năm 1991, ngành chức năng tỉnh Nghĩa Bình (cũ) đã thống nhất khu vực bảo vệ di tích tháp Bánh Ít. Theo đó, khu vực bảo vệ vòng 1 (vùng bất khả xâm phạm) bao trọn cả quả đồi có 4 tháp, tổng diện tích 12.000m2, cấm mọi hoạt động xây dựng. Vì vậy, theo ông Đinh Bá Hòa, chuyên gia văn hóa Chăm tại Bình Định, việc đưa phương tiện thi công cơ giới, máy đào lên đào bới, san bạt, bê tông hóa trên cụm 4 tháp Bánh Ít là sai hoàn toàn. 

Vụ mang máy đào tôn tạo tháp Chăm ngàn năm tuổi: Làm rõ trách nhiệm các bên liên quan ảnh 1 đơn vị thi công huy động máy đào vào san bạt, cào bới ở khu vực Tháp Cổng (cụm tháp Bánh Ít). Ảnh: NGỌC OAI

Chiều 11-3, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bình Định, đã gửi thông cáo báo chí, phản hồi một số nội dung mà thời gian qua Báo SGGP và một số cơ quan báo chí phản ánh. Thông cáo báo chí nêu, quá trình thi công mái taluy chủ trương chỉ cho phát quang bụi rậm, lùm cây xung quanh. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, nhà thầu đã sử dụng máy đào đứng trên bệ cao với cần để múc các bụi rậm hai bên tháp Cổng.

Nội dung này, chủ đầu tư xin tiếp thu, ghi nhận và đã yêu cầu đơn vị thi công dừng lại, đưa máy đào ra khỏi khu vực. Đối với hạng mục xây dựng hàng bê tông làm bồn hoa ở 2 chân tháp Chính, tháp Hỏa, chủ đầu tư đã cho tháo dỡ và xin ý kiến UBND tỉnh để điều chỉnh không xây thành bồn hoa, chỉ lát đá ong sân tháp đến chân tháp… 

Chủ đầu tư thừa nhận, quá trình tháo dỡ tấm cốt bê tông ở khu vực tháp chính, nhà thầu đào trúng mảnh tượng vỡ màu đen xám chạm khắc kích thước 40x60x44cm, hiện vật đang được đưa về lưu giữ tại bảo tàng tỉnh. 

Tuy nhiên, Sở VH-TT tỉnh chỉ xin tiếp thu thông tin báo chí phản ánh và rút kinh nghiệm sâu sắc, hứa sẽ chấn chỉnh các vấn đề liên quan. “Thời gian tới, đơn vị sẽ nghiêm túc phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trong việc quản lý, điều hành thi công đúng giải pháp và phù hợp điều kiện thực tế”, ông Tạ Xuân Chánh nêu.

Trước đó, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có chỉ đạo tạm dừng thi công tại cụm tháp Bánh Ít để các đơn vị chức năng kiểm tra lại hiện trạng thi công, nghiên cứu phương án thi công tiếp, đồng thời làm rõ mức độ xâm phạm, yếu tố nào đào bới xâm hại nguy cơ ảnh hưởng di tích. Từ đó, xem xét trách nhiệm các bên liên quan, nếu sai thì phải nhận trách nhiệm, chịu hình thức xử lý.

Tin cùng chuyên mục