Vu lan - mùa hiếu hạnh

Cầm trên tay ống kem sữa, nắn nót viết lên chiếc bánh kem dòng chữ “Mẹ là ánh sáng của đời con”, anh Nguyên nghẹn ngào nói: “Kính dâng mẹ. Chị em con làm đấy, mẹ thấy đẹp không”.
Một hoạt động từ thiện nhân lễ Vu lan ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Một hoạt động từ thiện nhân lễ Vu lan ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tri ân đấng sinh thành

 Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng 7 là chị em chị Nguyễn Thị Hà (ngụ phường 13, quận 3, TPHCM) lại làm chiếc bánh kem lớn, ghi lên những dòng chữ: “Cha là bóng mát giữa đời; Mẹ là điểm tựa bên đời của con”, “Chúng con kính mừng Vu lan Mẹ”; “Cha vời vợi non cao ơn dưỡng dục; Mẹ mênh mông biển rộng đức sinh thành”… Cùng đó là mâm cơm dâng lên bàn thờ cha mẹ những món ngon mà sinh thời mẹ thường nấu cho cả nhà ăn, nào gỏi ngó sen, canh chua, nào thịt kho tiêu… Trong bữa ăn ngày nhớ mẹ cha, chị em chị Hà kể về những kỷ niệm xưa cho con cháu nghe, như là cách để nhắc nhớ: “Dù có đi đâu, làm gì cũng không được quên mẹ, cha, đấng sinh thành”.

Đặt từng bó hoa, giỏ trái cây, nén nhang thơm lên chiếc ban thờ vong linh người quá cố tại chùa Hải Đức (quận Phú Nhuận, TPHCM), chị Điệp (ngụ phường 9, quận Phú Nhuận) nói: “Nay là gần 10 năm rồi mẹ đi xa. Nhà mấy anh em con vẫn khỏe. Thảo con anh Hai vừa tốt nghiệp phổ thông, đủ điểm vào kinh tế. Thằng Bin nhà con năm nay lên lớp 11 rồi đó mẹ”. Chị Điệp kể: “Ba tôi mất lâu rồi, cũng đến 15 năm. Nhớ lời ba mẹ dặn lúc còn sống, cứ ngày rằm tháng 7 hàng năm là anh em tôi lên chùa dâng lễ tri ân, báo lại ba mẹ đã làm được những việc gì trong năm, còn có điều gì chưa làm và hứa với nhau dù có thế nào đi nữa cũng không phụ công nuôi dưỡng của mẹ cha”.        

Nép mình sau hàng cột chánh điện, chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), người đàn ông quỳ sụp, chắp tay khấn lạy, khẽ gọi: “Xin mẹ tha lỗi vì những gì con đã không nghe lời mẹ”. Đứng cạnh người đàn ông là một phụ nữ đứng tuổi, nói nhỏ: “Mẹ hiểu lòng cậu mà. Chị em mình hãy luôn giữ mình với cuộc sống thiện lương, chia sẻ là mẹ vui rồi”.

Kể với chúng tôi câu chuyện gia đình, chị Hoa (ngụ phường 1, quận 4, TPHCM), nói: “Vì nghe theo lời bạn bè mà có thời gian cậu ấy lêu lổng, bỏ nhà đi chơi rồi vướng vào một vụ ẩu đả gây thương tích cho người khác. Dù không để lại hậu quả gì lớn nhưng đã gây ra bao phiền muộn, rắc rối cho gia đình. Sau ngày mẹ mất, tâm tánh cậu ấy thay đổi nhiều, biết làm ăn, lo toan cuộc sống và luôn thành tâm nguyện hứa với mẹ cha sửa chữa lỗi lầm”.

Chia sẻ, yêu thương

 “Nay chị đặt 500kg gạo ngon nha em. Giá vẫn không đổi hả em. Em có tập học sinh cho chị đặt 400 quyển, hỗ trợ chị Ánh ở Bình Chánh làm quà tặng học sinh nghèo, học giỏi…”. Dứt cuộc trao đổi qua điện thoại với chị Hằng, chủ một đại lý hàng ở quận 6, chị Liên (ngụ phường 12, quận 3) quay sang nói với chồng: “Năm nay mình cũng làm như rằm tháng 7 năm ngoái nha anh. Mỗi phần 5kg gạo ngon và 1 vỉ trứng gà”. Theo chị Liên, nhiều năm nay cứ vào dịp Vu lan, gia đình lại tất bật chạy lo nào gạo, mì gói, dầu ăn, nước tương…, rồi đóng gói thành 60, 70 phần chở giao đến các hộ khó khăn, người già, tàn tật ở nhiều địa bàn các quận huyện. 

Trước ngày rằm tháng 7, năm nào cũng vậy, bà Nguyễn Thị Phương (ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12), cùng các chị em trong Hội Từ thiện chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) cũng tất bật chạy đặt mua gạo, mì gói, nước tương, dầu ăn… chuẩn bị cho cả hơn 1.000 phần quà, vừa phát cho bà con đến nhận, vừa gửi đi vùng sâu, vùng xa tận Bình Phước, Gia Lai, Hà Giang… Năm nay dù đã gần 90 tuổi nhưng hễ nghe ở đâu vận động đóng góp tiền, hàng tặng bà con nghèo là bà Phương tham gia. Không đủ tiền, bà kêu gọi con cháu trong nhà trích tiền lương, thu nhập để dành gom lại mua quà tặng người nghèo khó. Có năm gia đình bà góp làm từ thiện được hơn 1 tỷ đồng. 

Mỗi năm, danh sách thành viên trong Hội Từ thiện chùa Vĩnh Nghiêm lại dài ra, đa phần là người trẻ học theo đức tính và cách làm của bà Phương vừa thiết thực với người nghèo khó, vừa thể hiện tinh thần báo ân, hiếu nghĩa trong mùa Vu lan, để yêu thương đến được bao mảnh đời bất hạnh và giá trị của ý nghĩa “Hãy cho đi sẽ nhận lại” theo truyền thống, văn hóa ngàn đời của người Việt.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm TPHCM, rằm tháng 7 hàng năm, hầu hết các chùa đều tổ chức tặng quà người nghèo, tàn tật, tặng học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là tinh thần báo ân, báo hiếu, nét đẹp văn hóa Phật giáo dân tộc được truyền giữ, phát huy thành giá trị tinh thần, làm cho cuộc sống hôm nay tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Tin cùng chuyên mục