Vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt: Thêm những góc nhìn mới

Với mong muốn mang đến độc giả nhiều góc nhìn đa diện, Báo SGGP tiếp tục thông tin những vấn đề liên quan đến vụ kiện này. 
Họa sĩ Lê Linh
Họa sĩ Lê Linh

Theo kế hoạch, phiên tòa liên quan đến vụ kiện bản quyền xung quanh bộ truyện Thần đồng đất Việt được mở vào ngày 28-12-2018. Tuy nhiên, do có đơn xin tạm hoãn của bị đơn nên dự kiến phiên tòa sẽ được mở lại vào 8 giờ sáng 24-1-2019, tại trụ sở TAND quận 1, TPHCM. Với mong muốn mang đến độc giả nhiều góc nhìn đa diện, Báo SGGP tiếp tục thông tin những vấn đề liên quan đến vụ kiện này. 

Thần đồng đất Việt được thực hiện như thế nào?

Họa sĩ Lê Linh làm việc tại Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Kỹ thuật & Phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) với cương vị là tác giả truyện tranh. Anh cùng công ty thực hiện từ tập 1 đến tập 78 bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Trong tập 24 với tên gọi Bài toán lộ phí (Phan Thị và NXB Trẻ ấn hành) theo giấy phép xuất bản do Cục Xuất bản cấp ngày 24-12-2001, đã mang đến độc giả một cách rõ ràng về quy trình thực hiện bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. 

Theo đó, bộ truyện được bà Mỹ Hạnh chỉ đạo trực tiếp và được họa sĩ Lê Linh tính toán sít sao. Kế hoạch cụ thể của năm được lên lịch sẵn. Số kỳ, nội dung, tựa truyện được biên soạn, sắp đặt trước và đặt tựa, vẽ hình bìa, tô màu… rồi in thử. 

Theo tư liệu được đề cập trong tập 24, một cuốn truyện Thần đồng đất Việt được ra mắt sẽ trải qua 9 công đoạn. Công đoạn đầu - “Soạn kịch bản” do họa sĩ Lê Linh đảm trách. Mỗi kỳ, từ sơ phác ban đầu, họa sĩ Lê Linh phải tra cứu vô số sách sử ghi chép về các ông trạng, lồng thêm yếu tố hài hước, nghiền ngẫm, chắt lọc, chọn lựa ra những tích truyện hay - lạ - vui, rồi soạn thành kịch bản cho kỳ truyện đó. Ở công đoạn 2 - “Phác họa sơ bộ” - 74 trang truyện được vẽ sơ phác, chia khung hình từng trang, đặt lời thoại. Sang công đoạn 3 - “Giai đoạn lột tả” - họa sĩ Lê Linh vẽ lại kỹ càng, đậm nét những hình phác, hoàn thiện các nét nhấn, điệu bộ cho ấn tượng, trau chuốt lời thoại; sau đó, anh cùng bà Mỹ Hạnh và ông Bá Hiền góp ý, sửa đổi nếu có. Sau công đoạn 3, các bản thảo được chuyển cho họa sĩ Huỳnh Hải làm sạch, lọc bỏ những nét thừa, hoàn thiện lại các chi tiết, như quần áo, nhà cửa… để đạt được những hình ảnh rõ nét như độc giả thấy trên truyện. Công đoạn này được gọi là “Họa sĩ can lọc nét”. Khi bản vẽ lột hoàn chỉnh được 10 tờ (tức là khoảng 12 ngày sau khi Lê Linh bắt tay) thì chuyển sang “Họa sĩ calque”. Ở công đoạn này, họa sĩ Lê Tài vẽ lại bằng mực Tàu trên giấy bóng mờ để đưa vào máy. Sau khi bản calque được khoảng 20 tờ, lập tức chuyển sang công đoạn “Vi tính nhập cuộc”. Qua máy scanner quét hình, lưu trữ file vào máy tính, 2 bộ phận sẽ cùng lúc vào cuộc. Đó là họa sĩ đồ họa vi tính Đức Phúc làm background, tạo hiệu ứng (phần mềm của tranh như tiếng động, mưa, gió, sấm chớp, lửa, nước…), còn họa sĩ vi tính Đăng Sáu đưa chữ hiệu ứng, khung thoại và sắp chữ vào khung lời thoại… 

Công đoạn này kết thúc sau họa sĩ calque 3 ngày, tức là 25 ngày đã trôi qua, khi đó, 2 bản bon (bản in mẫu) của kỳ truyện đó được in ra. Một được chuyển sang NXB Trẻ xin kiểm duyệt và cấp phép xuất bản; bản còn lại giao cho họa sĩ Bá Hiền biên soạn chương trình câu lạc bộ (CLB). Ba công đoạn cuối gồm: “Chủ nhiệm CLB Trạng và Bạn” do họa sĩ Bá Hiền thực hiện; “Giám khảo Minh Hiếu nhận thư, chấm bài, trả lời thư bạn đọc” và “Thần đồng đất Việt ra lò - phát hành”. 

Nhìn vào quy trình sản xuất có thể thấy, để một tập của Thần đồng đất Việt ra đời có sự tham gia của cả một tập thể, trong đó họa sĩ Lê Linh tham gia vào những công đoạn đầu tiên - cũng là nội dung chính của truyện. Ngay tại bìa lót của sách cũng thể hiện họa sĩ Lê Linh là người thực hiện tranh và truyện. Hai họa sĩ Đức Phú và Đăng Sáu thực hiện Đồ họa vi tính; còn họa sĩ Bá Hiền là Chủ nhiệm CLB Trạng và Bạn. Như vậy, họa sĩ Lê Linh có được xem là tác giả duy nhất của bộ truyện này không?  

Chuyên gia nói gì? 

Như Báo SGGP đã đưa tin, trong thời gian thực hiện bộ truyện Thần đồng đất Việt, họa sĩ Lê Linh là nhân viên của Phan Thị. Ban đầu anh nhận lương 3 triệu đồng/tháng; sau này anh không nhận lương hàng tháng mà nhận số tiền theo tỷ lệ là 8%, rồi 10% doanh thu. Tổng số tiền mà họa sĩ Lê Linh đã nhận từ Phan Thị trong suốt thời gian làm việc tại đây hơn 3 tỷ đồng. Theo ThS Nguyễn Phương Thảo, Giảng viên bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM, quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị là đúng, giống như họa sĩ Lê Linh đã thừa nhận với báo chí trước đây là chỉ tranh chấp quyền tác giả. 

ThS Nguyễn Phương Thảo phân tích: “Trong quyền tác giả có 2 chủ thể: chủ thể thứ nhất là tác giả, còn chủ thể thứ hai là chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Còn chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp này là người đầu tư tài chính, vật chất và trả tiền cho tác giả để tạo ra tác phẩm. Ở đây, Công ty Phan Thị đã trả tiền cho họa sĩ Lê Linh để làm bộ truyện này; do vậy Công ty Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả. Vấn đề này đã được quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009”.

Như vậy, trong trường hợp này, họa sĩ Lê Linh vẫn còn quyền nhân thân theo Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, ngoài những quyền cơ bản, thì đáng chú ý là quyền “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

Kết thúc tập 78, họa sĩ Lê Linh không làm còn làm việc tại Phan Thị. Sau đó, Phan Thị tổ chức ê kíp khác để tiếp tục thực hiện bộ truyện này, trong đó có sử dụng 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cà Mẹo do họa sĩ Lê Linh sáng tạo - trên cơ sở là “đề bài” do bà Mỹ Hạnh đặt ra ban đầu. Ở trang xi-nhê từ tập 79 trở đi đều thể hiện: “Trong truyện có sử dụng những hình ảnh nhân vật do Lê Phong Linh là đồng tác giả”. Đây có thể được xem là thể hiện tôn trọng quyền nhân thân với họa sĩ Lê Linh không? 

ThS Nguyễn Phương Thảo cho rằng, nếu chỉ ghi như vậy thì chưa đủ. “Nếu Phan Thị muốn phát triển câu chuyện này và ông Lê Linh là tác giả thì họ có trách nhiệm xin phép ông Lê Linh. Điều này đã được thể hiện trong Khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, chỉ có tác giả mới được đụng vào tác phẩm của mình. Anh không được lợi dụng tác phẩm của họ để phát triển. Nếu họa sĩ Lê Linh chứng minh được mình là tác giả duy nhất, thì người vẽ tiếp những tập sau phải xin phép, phải có sự đồng ý của họa sĩ Lê Linh”, ThS Nguyễn Phương Thảo nhấn mạnh và cho biết, Phan Thị chỉ có quyền sở hữu đối với 78 tập đầu tiên. Với những tập này, Phan Thị có toàn quyền khai thác mà không cần sự đồng ý của họa sĩ Lê Linh, nhưng vẫn phải bảo đảm quyền nhân thân cho họa sĩ Lê Linh. Từ tập 79 trở đi, Phan Thị muốn khai thác tiếp nhưng chưa có sự đồng ý của họa sĩ Lê Linh, sẽ có khả năng vi phạm quyền tác giả. 

Việc bà Mỹ Hạnh là người đưa ra ý tưởng có được xem là đồng tác giả hay không? Dẫn theo Điều 6 của Nghị định 22 năm 2018, quy định về tác giả, đồng tác giả, ThS Nguyễn Phương Thảo cho biết: “Nếu người chỉ nêu ý tưởng để người khác thực hiện thì người đó không được công nhận là tác giả, mà tác giả chính là người thực hiện. Vì tác phẩm được bảo hộ là khi nó được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định mới được. Còn ý tưởng trong đầu chưa được bảo hộ quyền tác giả. Vậy nên, trong trường hợp bà Mỹ Hạnh chỉ nêu ý tưởng thì chưa đủ để trở thành đồng tác giả”.

Tin cùng chuyên mục