Vụ hàng loạt trạm dừng chân xây trái phép trên đèo Đại Ninh: Ra quyết định cưỡng chế 1 trường hợp

Trong tổng số 4 trạm dừng chân và 2 điểm khác được xây dựng trái phép trên khu vực đèo Đại Ninh (thuộc Quốc lộ 28B, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), UBND huyện Bắc Bình đã ra quyết định cưỡng chế 1 trường hợp, các trường hợp còn lại vẫn chưa thể ra quyết định vì hồ sơ bị sai sót. 
Các điểm dừng chân xây dựng trái phép trên đèo Đại Ninh
Các điểm dừng chân xây dựng trái phép trên đèo Đại Ninh
Sáng 29-10, tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT-TT tỉnh Bình Thuận tổ chức, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình đã thông tin toàn bộ quá trình xử lý các hộ dân lấn chiếm đất làm trạm dừng chân, xây dựng nhà cửa trái phép trên khu vực đèo Đại Ninh (Quốc lộ 28B, huyện Bắc Bình).
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc xử lý nghiêm minh các trường hợp lấn chiếm đất rừng, vi phạm hành lang an toàn đường bộ (ATĐB), xây dựng công trình trái phép dọc tuyến Quốc lộ 28B (khu vực đèo Đại Ninh), UBND huyện Bắc Bình đã kiểm tra và phát hiện có 6 trường hợp vi phạm. Trong đó có 4 trường hợp xây dựng trạm dừng chân và 2 trường hợp xây dựng công trình trái phép khác.
Vụ hàng loạt trạm dừng chân xây trái phép trên đèo Đại Ninh: Ra quyết định cưỡng chế 1 trường hợp ảnh 1 Trạm dừng chân Như Anh xây dựng bề thế, trái phép ngay hành lang an toàn đường bộ Quốc lộ 28B
Đến nay, sau hơn 1 tháng chỉ đạo xử lý, UBND huyện Bắc Bình đã ra quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả 1 trường hợp là hộ ông Phạm Văn Tiên (SN 1977, ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm chuồng trại chăn nuôi. 5 trường hợp còn lại (4 trạm dừng chân và 1 điểm xây dựng trái phép khác) đến nay chưa thể ra quyết định cưỡng chế vì hồ sơ bị sai sót.
Theo đại diện UBND huyện Bắc Bình, 5 trường hợp xây dựng trái phép còn lại (đều do người dân đến từ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đến xây dựng) đến nay chưa thể ra quyết định cưỡng chế vì  trong quá trình lập hồ sơ sai phạm từ các cấp bị sai sót nên phải chỉnh sửa.
Vụ hàng loạt trạm dừng chân xây trái phép trên đèo Đại Ninh: Ra quyết định cưỡng chế 1 trường hợp ảnh 2 Trạm dừng chân Như Anh còn xây dựng chông chênh gây nguy hiểm cho du khách và người dân
Cụ thể, trường hợp ông Trần Văn Lệ, lấn chiếm 635mvà xây trạm dừng chân kiên cố ngay trong hành lang đất của nhà máy thủy điện Đại Ninh từ cuối năm 2018. UBND huyện Bắc Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 17,5 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Trong quá trình củng cố hồ sơ chuẩn bị ban hành quyết định cưỡng chế thì phát hiện có sai sót trong quá trình lập biên bản, dẫn đến phải hủy quyết định xử phạt để xác minh lại các tình tiết sai phạm.
Trường hợp ông Bùi Văn Hậu, xây dựng Trạm dừng chân Hoàng Yến trái phép trong hành lang ATĐB từ tháng 10-2018. Sau khi phát hiện, UBND huyện Bắc Bình cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền như hộ ông Lệ và buộc tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, hiện nay qua kiểm tra, công trình này lại phát sinh thêm các hạng mục khác với tổng diện tích xây dựng trên 685m2, tăng so với biên bản vi phạm ban đầu với diện tích gần 334m2. Do vậy, trường hợp này cũng đang phải củng cố lại hồ sơ.
Vụ hàng loạt trạm dừng chân xây trái phép trên đèo Đại Ninh: Ra quyết định cưỡng chế 1 trường hợp ảnh 3 Trạm dừng chân Panorama xây dựng hoành tráng ngay khu vực đèo Đại Ninh
Còn hộ ông Trần Văn Chiến, xây dựng Trạm dừng chân Hoàng Yến trái phép trong hành lang ATĐB. Điều đáng nói, trường hợp này vào năm 2017, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên, trong biên bản xử phạt, ngành chức năng  lại ghi công trình thuộc địa giới hành chính xã Phan Sơn. Sau đó, UBND huyện Bắc Bình và các đơn vị liên quan xác định lại thì lại thuộc địa giới hành chính xã Phan Lâm. Từ đó dẫn đến hồ sơ vi phạm của ông Chiến bị sai sót phải xác minh lại nên chưa thể ra quyết định cưỡng chế.
Kỳ lạ hơn, trường hợp ông Trần Thành Công, lấn chiếm đất rừng sản xuất với diện tích hơn 1.700m2, xây dựng nhà cửa trái phép và bị UBND xã Phan Sơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 4 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, sau khi xác minh lại, UBND huyện Bắc Bình nhận thấy việc xử phạt của UBND xã Phan Sơn là không đúng quy định, vượt thẩm quyền nên phải xử lý lại.
Cuối cùng là trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Huê, chiếm đất nông nghiệp và đất rừng với tổng diện tích hơn 1.500m2, xây dựng công trình kiên cố là Trạm dừng chân Panorama và bị UBND huyện Bắc Bình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 23,5 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình, trả lại đất đã lấn chiếm. Tuy nhiên, đến nay hộ này vẫn chưa bị UBND huyện Bắc Bình ra quyết định cưỡng chế.
Thừa nhận trong quá trình xử lý các vụ việc trên do hồ sơ vi phạm bị sai sót nên công tác khắc phục còn chậm trễ, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, hiện UBND huyện đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ để tổ chức cưỡng chế tất cả các trường hợp lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép chậm nhất váo cuối tháng 12-2019.

Tin cùng chuyên mục