Vụ dược sĩ kiện bệnh viện: Những điểm cần làm rõ

Thời gian gần đây, những vụ kiện tụng giữa người lao động và người sử dụng lao động đã không còn là việc lạ lẫm. Thế nhưng, vụ dược sĩ Vũ Kim Thu kiện đơn vị chủ quản là Bệnh viện Nhân dân 115 (gọi tắt là BV 115) đã gây nhiều chú ý trong dư luận bởi nguyên đơn đưa lên lý do: “mẹ bị đuổi việc vì chăm con ốm”. Thực hư chung quanh vụ kiện này là như thế nào?

Đang chấp hành bỗng… quay xe!

Là người mẹ có con nhỏ dưới 7 tuổi, việc bà Vũ Kim Thu phải nghỉ đột xuất để chăm con ốm là chuyện không ít lần xảy ra. Tuy nhiên, ở những lần trước, mọi việc đều suôn sẻ vì bà Thu đã làm đúng quy định của BV 115 về thủ tục để được nghỉ chế độ con ốm, đó là nộp giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) do BV nơi con bà khám bệnh cấp.

Dù đã từng chấp hành quy định này, nhưng bắt đầu từ tháng 10-2019, những khi nghỉ với lý do chăm sóc con ốm, bà Vũ Kim Thu lại chỉ nộp toa thuốc (nhiều lần là chụp hình gửi qua Zalo) để thể hiện việc con bà có đi khám bệnh, trên toa thuốc chỉ hẹn ngày tái khám chứ không có chỉ định “bé nghỉ, mẹ nghỉ” của bác sĩ.

Khi được BV 115 yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH theo đúng quy định, bà Thu ghi lý do không xin giấy chứng nhận nói trên là “chờ đợi lâu, tôi không có nhiều thời gian…” (!?).

Theo số liệu của BV 115, trong quý 4-2019, dược sĩ Vũ Kim Thu đã tự ý nghỉ 9 ngày làm việc mà không chứng minh được là có lý do chính đáng. Đỉnh điểm, từ ngày 10 đến 22-1-2020, trong lúc BV 115 đang xem xét xử lý hành vi vi phạm trong năm 2019 nói trên, bà Thu tiếp tục nghỉ luôn một lèo 9 ngày làm việc (chưa kể các ngày thứ bảy và chủ nhật, ngày lễ, tết) cũng với lý do chăm con ốm và chỉ chụp hình 2 toa thuốc gửi qua Zalo cho bộ phận hành chính Khoa Dược, gọi đó là “hồ sơ chứng từ”! 

BV 115 đã yêu cầu bà Thu nộp các chứng từ nghỉ BHXH liên quan đến 9 ngày nghỉ việc nói trên theo quy định của bệnh viện, hạn chót là ngày 25-2-2020, nhưng bà Thu vẫn phớt lờ. Đến lúc này, BV 115 buộc phải thành lập Hội đồng kỷ luật.

Ngày 12-3-3020, căn cứ kiến nghị của Hội đồng kỷ luật viên chức, Giám đốc BV 115 đã ban hành Quyết định 354 về việc kỷ luật viên chức Vũ Kim Thu với hình thức buộc thôi việc, do tự ý nghỉ 9 ngày làm việc trong tháng 1-2020 mà không có lý do chính đáng.

Không đồng ý, bà Thu kiện, yêu cầu TAND quận 10 buộc BV 115 thu hồi, hủy bỏ quyết định buộc thôi việc, khôi phục lại vị trí làm việc cho bà. Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND quận 10 đã bác yêu cầu của nguyên đơn. Bà Thu kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Từ báo cáo không trung thực đến “ngó lơ” quy định của luật

Ở phiên tòa sơ thẩm, luật sư của bà Vũ Kim Thu đã nêu luận điểm con còn nhỏ, đương nhiên con ốm là phải được mẹ chăm sóc, con bà Thu bị bệnh là một thực tế khách quan, việc bà Thu chăm sóc con nhỏ đã là lý do chính đáng để nghỉ việc.

Đại diện BV 115 khẳng định, đơn vị luôn tạo điều kiện cho nữ cán bộ, nhân viên nghỉ làm để chăm sóc con ốm nói riêng và cho toàn thể nhân viên nói chung được nghỉ làm để giải quyết việc riêng khi có lý do chính đáng.

Để chứng minh được “lý do chính đáng”, mọi người cần tuân thủ các quy định của bệnh viện về thực hiện trách nhiệm nghỉ hưởng lương, không hưởng lương (theo Thông báo 3064 và Thông báo 2164 của BV 115). Có như thế thì một đơn vị với hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức mới đảm bảo vận hành tốt, hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Thông báo 3064 và Thông báo 2164 được BV 115 ban hành đúng pháp luật và bản thân bà Thu đã từng chấp hành các quy định này. Việc bà thay đổi hành vi, cho rằng không cần thực hiện các quy định của đơn vị không chỉ gây khó hiểu, đặt ra nhiều dấu hỏi về động cơ thực sự phía sau, mà còn tạo ra tiền lệ xấu, gây mất đoàn kết nội bộ và ảnh hưởng đến hoạt động chung của bệnh viện.

Hình ảnh “người mẹ đáng thương, bị mất việc vì chăm con ốm” có lẽ sẽ thay đổi 180 độ khi chúng ta đọc Công văn số 01/CV/LĐC ngày 4-5-2022 của Trường Tiểu học Lương Định Của.

Theo đó, ngày 14 và 15-1-2020, con bà Thu có đi học tại trường, thế nhưng bà Thu vẫn nghỉ làm với lý do “chăm con ốm”! Điều này không chỉ là báo cáo sai sự thật với tổ chức, mà còn cho thấy sự vô cảm đối với đồng nghiệp khi đặt thêm gánh nặng phải làm choàng lên những người vốn đã khá căng thẳng vì áp lực công việc những ngày cuối năm.

Đó là chưa kể, ngày 20-1-2020 thì con bà Thu tròn 7 tuổi, theo luật định thì không còn trong độ tuổi để “cha mẹ được nghỉ làm chăm con ốm”, nhưng bà Thu vẫn nghỉ đến hết ngày 22-1-2020. Tất nhiên, khi con trẻ bị bệnh, chúng ta không “cân, đong, đo, đếm” từng ngày để áp dụng, để bắt bẻ nhau.

Nhưng, vì bà Thu luôn viện dẫn luật, yêu cầu phải làm đúng luật, nên lẽ ra bản thân bà phải luôn chấp hành luật. Bởi, theo như ý kiến của đại diện BV Nhi đồng 2 (nơi con bà Thu khám bệnh trong đợt nghỉ 9 ngày nói trên), tại lần khám ngày 19-1-2020, bệnh viện có ghi cho mẹ nghỉ 3 ngày

“Tuy nhiên, đến ngày 20-1-2020 thì con bà Thu đã đủ 7 tuổi. Trường hợp này nếu nộp lên BHXH thì có thể BHXH chỉ cho người lao động nghỉ 1 ngày, điều này phụ thuộc vào quyết định của BHXH”, đại diện BV Nhi đồng 2 nói.

Vị này cũng cho biết thêm, BV Nhi đồng 2 đã cung cấp các giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH cho bà Thu ngay tại thời điểm bà đưa con đi khám. Tuy nhiên, các giấy chứng nhận này chưa được đưa lên cổng giám định BHXH (do bà Thu không xuất trình thẻ BHXH, không bổ sung thông tin và hoàn tất hồ sơ) nên vẫn chưa có giá trị pháp lý.

Điều này cho thấy, không chỉ phớt lờ các quy định của đơn vị công tác là BV 115, mà ngay cả với những quy định của Luật BHXH, bà Thu cũng không thực hiện. Không có giấy tờ đủ giá trị pháp lý, khi bị kỷ luật buộc thôi việc vì tự ý nghỉ 9 ngày mà không có lý do chính đáng, bà Thu lại kêu là mình bị trù dập (!?). 

Vụ kiện sẽ được TAND TPHCM xét xử phúc thẩm vào ngày 1-7-2022 tới đây. Dư luận mong mỏi cơ quan chức năng ra một phán quyết công minh, khép lại vụ việc đã làm tổn hao nhiều giấy mực này.

Tin cùng chuyên mục