Vụ DN ôm tiền bỏ trốn, ngân hàng siết nợ trong liên kết nuôi cá tra: Nông dân cầu cứu đoàn ĐBQH

Liên tục những ngày qua, nhiều nông dân nuôi cá tra liên kết theo chuỗi giá trị ở An Giang gửi đơn đến Báo SGGP và các cơ quan chức năng “cầu cứu” vì bị ngân hàng siết nợ. 

 

Theo các nông dân, họ đã giao toàn bộ cá tra nguyên liệu cho Công ty TNHH Thuận An, nhưng lãnh đạo công ty này “ôm” hàng trăm tỷ đồng bỏ trốn ra nước ngoài, đẩy nông dân trở thành nạn nhân và bị ngân hàng đòi nợ một cách vô lý…

Làm tốt nhưng lại thành “con nợ”?

Ngày 2-8, ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) bức xúc cho biết: Gia đình tôi nuôi cá tra đã nhiều năm và đây là kinh tế chính nuôi sống cả nhà. Năm 2014, các ngành chức năng tỉnh An Giang khuyến khích nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra giữa “nông dân với Công ty TNHH Thuận An và Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang”, nhằm phát triển bền vững ngành cá tra.

Vụ DN ôm tiền bỏ trốn, ngân hàng siết nợ trong liên kết nuôi cá tra: Nông dân cầu cứu đoàn ĐBQH ảnh 1 Chủ Công ty Thuận An "ôm tiền tỷ" bỏ trốn ra nước ngoài, đẩy nông dân thành "con nợ"
Nông dân được ngân hàng cho vay vốn thông qua việc mua thức ăn nuôi cá, khi cá tới kỳ thu hoạch thì bán cho Công ty Thuận An. Công ty này nhận cá theo giá thị trường và sau khi trừ tiền mua thức ăn, số dư ra sẽ trả cho nông dân thông qua ngân hàng.

"Thấy đây là hướng đi đúng nên 12 hộ dân chúng tôi tình nguyện tham gia”, ông Tấn cho hay.

Theo ông Tấn, trong 2 năm đầu, chuỗi liên kết này hoạt động rất tốt và nông dân, doanh nghiệp đều cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, đến tháng 11-2016, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An đi công tác nước ngoài, rồi “biến mất” với số tiền gần 80 tỷ đồng bán cá của nông dân tham gia chuỗi liên kết.

Ngoài ra, Công ty Thuận An còn nợ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang khoảng 449 tỷ đồng.

Điều trái khoáy là khi lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn thì nhiều nông dân tham gia chuỗi vừa bị mất tiền và còn bị Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh An Giang “yêu cầu” trả nợ thay.

“Đến thời điểm chuỗi liên kết đổ vỡ thì gia đình tôi đã giao cá cho Công ty Thuận An hơn 11,9 tỷ đồng, trong khi tôi nhận thức ăn là 12,8 tỷ đồng; như vậy tôi chỉ còn nợ thức ăn 853 triệu đồng. Thế mà, nay ngân hàng “giam giữ” tài sản đất đai của tôi và yêu cầu thanh toán 12,8 tỷ đồng là không hợp lý”, ông Nguyễn Văn Tấn nói.

Cũng điêu đứng vì doanh nghiệp bỏ trốn, ông Nguyễn Danh Cởn, ngụ huyện Thoại Sơn (An Giang) chua chát: “Từ khi tham gia chuỗi liên kết, bản thân tôi luôn thực hiện tốt các hợp đồng. Tính đến thời điểm mà lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn thì tôi đã giao cá cho công ty này hơn 3,8 tỷ đồng, trong khi tiền mua thức ăn chỉ có 2,1 tỷ đồng. Công ty đang nợ tôi hơn 1,6 tỷ đồng. Vậy mà ngân hàng cứ kiên quyết giữ tài sản thế chấp của tôi và yêu cầu tôi trả nợ thay cho công ty. Đây là việc làm không thể chấp nhận được”.

Dùng dằng xử lý, nông dân chịu thiệt

Gần 2 năm nay, những hộ tham gia chuỗi liên kết này vô cùng khốn khổ vì bị ngân hàng giữ tài sản thế chấp và đưa vào diện nợ xấu, đồng thời ngưng cho vay; do đó nông dân không còn vốn để tái đầu tư.

Ông Lê Quang Vinh (một hộ tham gia chuỗi liên kết) cay đắng nói: “Khi chuỗi liên kết đổ vỡ thì ngân hàng đột ngột ngưng cung cấp thức ăn khiến nông dân khốn đốn chạy đi vay nợ nơi khác để lo cho các ao cá đang nuôi lỡ dở. Rồi 2 năm nay giá cá tra tăng cao, nhưng nông dân đành “treo ao” vì tài sản đang bị giam giữ, nên không thể vay vốn tái đầu tư dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn”.

Vụ DN ôm tiền bỏ trốn, ngân hàng siết nợ trong liên kết nuôi cá tra: Nông dân cầu cứu đoàn ĐBQH ảnh 2 Nông dân gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng 
Cũng theo ông Vinh, chuỗi liên kết này là do các ngành chức năng tỉnh An Giang lập dự án và chọn doanh nghiệp (Công ty Thuận An); nông dân tham gia tốt và làm tròn trách nhiệm của mình.

Nay, chuỗi đổ vỡ do lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn; việc này là trách nhiệm của ngân hàng (đơn vị giám sát chuỗi) và các ngành chức năng, chứ nông dân đâu có chọn doanh nghiệp và cũng không biết năng lực doanh nghiệp này ra sao.

Thế mà ngân hàng lại “đẩy” cục nợ từ doanh nghiệp sang cho nông dân là không đúng. Mong muốn của nông dân là những ai đã hoàn thành nhiệm vụ “giao cá và trừ tiền mua thức ăn là xong”. Người nuôi đề nghị ngân hàng trả lại tài sản thế chấp để nông dân tái đầu tư sản xuất trở lại.

Trước sự việc trên, lãnh đạo tỉnh An Giang đã thành lập tổ xử lý các khoản nợ cho vay theo chuỗi liên kết cá tra (gọi tắt là Tổ xử lý 441); đồng thời tiến hành rất nhiều cuộc họp, đối thoại với các bên liên quan…

Vụ DN ôm tiền bỏ trốn, ngân hàng siết nợ trong liên kết nuôi cá tra: Nông dân cầu cứu đoàn ĐBQH ảnh 3 Công ty Thuận An (An Giang) từng một thời nhận được nhiều cúp, bằng khen, danh hiệu... của các ngành chức năng ở An Giang và Trung ương trao tặng; nhưng bất ngờ "ôm" tiền bỏ trốn, khiến chuỗi liên kết tan rã

Song, đến nay vẫn chưa tìm được hướng xử lý thỏa đáng. Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho rằng: Theo qui trình cho vay của chuỗi liên kết thì nông dân không nhận tiền vay từ ngân hàng mà chỉ nhận thức ăn; đến khi nông dân giao cá cho Công ty Thuận An thì nông dân được tất toán khoản nợ vay mua thức ăn và khoản nợ vay này phải chuyển sang Công ty Thuận An nhận nợ.

Để giải quyết việc này, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét những nông dân đã thực hiện đúng qui trình chuỗi liên kết và phía Công ty Thuận An còn nợ tiền mua cá thì khoản nợ vay ngân hàng của nông dân được chuyển sang cho Công ty Thuận An.

Công ty Thuận An có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo dự án chuỗi. Phía ngân hàng trả lại tài sản thế chấp cho nông dân. Ngoài ra, dừng tính lãi nông dân kể từ tháng 11-2016 và không chuyển sang nợ xấu…

Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang kiêm Tổ trưởng Tổ xử lý 441, cho biết: “Chuỗi liên kết là mô hình hay nhưng đổ vỡ rất đáng tiếc. Trong sự cố này nông dân không có lỗi. Do đó, cần đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Phía Tổ xử lý 441 đã kiến nghị phương án sử dụng tiền hoàn thuế VAT năm 2015 và 2016 của Công ty Thuận An khoảng 14,9 tỷ đồng để trả cho 4 hộ dân mà công ty còn nợ. Đối với những hộ dân vay ngân hàng (mua thức ăn) lớn hơn số tiền bán cá thì từng hộ phải nộp trả cho ngân hàng (sau khi đã trừ tiền bán cá đã giao cho Công ty Thuận An); sau đó ngân hàng giải chấp tài sản thế chấp lại cho nông dân…”.

Có thể nói, những đề xuất giải quyết của các ngành chức năng tỉnh An Giang là hợp lý, tuy nhiên phía ngân hàng không đồng ý. Vì vậy, các phương án giải quyết cứ kéo dài mà chưa có lối ra.

“Vụ việc này nếu không sớm giải quyết ổn thỏa thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển các chuỗi liên kết khác, môi trường đầu tư của địa phương… Do đó, tỉnh rất nóng ruột trong vấn đề này. Nếu tới đây tình hình không tiến triển tích cực, không tìm được tiếng nói chung giữa các bên, thì đề xuất đưa vụ việc này ra tòa giải quyết…”, ông Võ Nguyên Nam nói.

Sáng nay 2-8, các hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết nuôi cá tra ở An Giang đã có buổi gặp gỡ, kiến nghị đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về những khó khăn của nông dân kéo dài mấy năm nay, kể từ khi lãnh đạo Công ty Thuận An “ôm” tiền bỏ trốn ra nước ngoài.

Vụ DN ôm tiền bỏ trốn, ngân hàng siết nợ trong liên kết nuôi cá tra: Nông dân cầu cứu đoàn ĐBQH ảnh 4 Nông dân tham gia chuỗi liên kết, trình bày những khó khăn trong gần 2 năm nay
Các hộ nông dân cho rằng, họ là nạn nhân khi doanh nghiệp bỏ trốn và bỗng nhiên họ phải ôm nợ một cách vô lý. Do đó, nông dân kiến nghị ngành chức năng giải quyết vụ việc theo phương án của Tổ Xử lý 441 tỉnh An Giang.

Cụ thể, những nông dân đã giao cá cho Công ty Thuận An quá số tiền vay mua thức ăn thì đề nghị ngân hàng trả lại tài sản thế chấp…

Phía Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang ghi nhận những ý kiến của nông dân và xem xét, đề nghị các cấp thẩm quyền sớm giải quyết…  

Tin cùng chuyên mục